Tuesday, December 27, 2011

LỜI CỦA LÁ MÙA ĐÔNG



Chiếc lá vàng trước khi rơi xuống đất

Kịp nói với em vài tiếng tạ từ

Thôi chào nhé vòm trời xanh bát ngát

Khung cửa hồng và cô bé mộng mơ.

Thưở mới là một nhỏ nhoi lộc biếc

Tôi đã mến em, cô bé tóc dài

Hay nhìn tôi bằng mắt xinh một mí

Và nụ cười răng khểnh ngó hay hay.

Tôi đã lớn lên cùng mưa nắng gió

Tươi tắn bốn mùa xuân, hạ, thu, đông

Đã cùng em vui bên khung cửa sổ

Đến hôm nay đã tới hạn lìa cành.

Lá vàng rơi là chuyện thường em nhỉ

Cũng giống như trăng lúc tận lúc rằm

Hãy nhặt lên và ép vào trang vở

Thật nồng nàn hương lá ngủ âm thầm.

HÀ THU THỦY

Chuyện Giáng Sinh, Chuyện Thường Ngày








Lễ Giáng Sinh thường được kể như một câu chuyện thần tiên. Và dĩ nhiên, cũng như mọi câu chuyện thần tiên, Lễ Giáng sinh dễ được thi vị hóa. Chúa Giêsu đã chào đời trong Ánh Sáng rực rỡ của Đêm Belem. Trong máng cỏ có súc vật quì thở mang lại hơi ấm. Trên không trung có tiếng đàn ca của các thiên sứ. Câu chuyện ấy lại càng trở nên huyền hoặc hơn với hình ảnh của Santa Claus hay ông Già Noel mỗi năm từ một xứ tuyết xa xôi nào đó ở Bắc Cực cỡi chiếc xe được kéo bởi một bầy sơn dương mang đến vô số quà tặng cho trẻ con và người lớn. Câu chuyện Giáng Sinh lại càng thơ mộng hơn với Cây Thông đầy tuyết và những ngôi sao lấp lánh mọc lên khắp nơi.

Khung cảnh mộng mơ và lãng mạn ấy dễ làm cho người ta quên đi cái thực tế rất là “đời thường” của Giáng Sinh. Hãy thử tưởng tượng nỗi lo lắng của cặp vợ chồng trẻ nghèo phải vất vả tìm một chỗ qua đêm ở chốn xa lạ mà chẳng được ai mở cửa đón tiếp. Hãy thử tưởng tượng cái cảnh dơ bẩn và hôi thối của một chuồng súc vật. Chính đó là nơi mà người vợ buộc lòng cho đứa con của mình chào đời! Chính trong khung cảnh đó mà một trẻ thơ được sinh ra và bầu khí ấm cúng của gia đình được thành hình. Khung cảnh ấy, dù sang giàu hay nghèo hèn, cũng đều giống nhau bởi vì đó là thực tế của cuộc sống.

Như vậy, câu chuyện Giáng Sinh thiết yếu cũng là câu chuyện hàng ngày trong cuộc sống con người. Có vất vả, sầu đau. Có lo lắng, vui mừng. Có chia cách, đoàn tụ.

Câu chuyện đoàn tụ của cặp vợ chồng già trong đêm Giáng Sinh là tiêu biểu của vô số những chia ly, cách trở, mong đợi, tìm kiếm và đoàn tụ trong cuộc sống con người. Như tấm khăn trải bàn của cụ bà, câu chuyện được dệt lên từ nhiều tình tiết vốn cũng là chuyện mỗi ngày: ngôi nhà thờ xuống cấp vì vắng người, nỗ lực hy sinh của vợ chồng vị mục sư trong những ngày chuẩn bị Lễ Giáng Sinh, phiên chợ từ thiện với trăm thứ lỉnh kỉnh được mang ra bán với hy vọng góp một tay vào việc giúp đỡ những người túng thiếu, một cụ bà lỡ chuyến xe buýt được mời vào bên trong nhà thờ để sưởi ấm, một cụ ông đơn chiếc được chở đi một vòng trong đêm Giáng Sinh...Cuộc hội ngộ bất ngờ và kỳ thú là đỉnh điểm và hội tụ của những chuyện “đời thường” ấy.

Chuyện Giáng sinh là chuyện thường ngày đã trở thành bất tử, cho nên bất cứ điều gì được nhìn trong Ánh Sáng của Giáng Sinh cũng trở thành bất tử. Chẳng có bài thánh ca nào đơn giản về âm nhạc lẫn ca từ cho bằng bài “Silent Night” (Đêm thánh vô cùng). Vậy mà bao lâu trên trái đất này còn có lễ Giáng Sinh thì chắc chắn mọi người trên thế giới, nếu không lắng nghe thì cũng cất hát lên bài thánh ca này. Riêng với người công giáo Việt nam thì, dù có lưu lạc ở đâu, bao lâu còn mừng lễ Giáng Sinh, ngay cả giữa mùa hè nóng chảy lửa như ở Úc đại lợi, bài thánh ca “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” vẫn mãi mãi được hát lên. Giáng Sinh đã làm cho những cái đơn sơ nhứt trở thành bất tử.

Trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là một “Trẻ Thơ”. Từ ngàn xưa, một vị ngôn sứ của dân tộc Israel đã loan báo “Một Trẻ Thơ đã được ban tặng cho chúng ta”. Đây cũng chính là điều được thiên sứ lập lại trong đêm Giáng Sinh: “Ta báo cho các ngươi một tin vui: một hài nhi đã chào đời”. Dù tin hay không, đã mừng Giáng Sinh thì ít nhứt cũng phải tin có một Em Bé đã chào đời. Em Bé ấy đã được ban tặng cho con người để, như lời dạy của chính Chúa Giêsu, con người cũng phải trở nên như em bé để được vào Nước Trời.

Trong văn hóa nào, trẻ thơ cũng luôn là biểu tượng của hồn nhiên, trong trắng, ngây thơ. Không có trẻ thơ, ai sẽ nhắc nhở chúng ta về sự hiện hữu của Ông Già Noel, của sự tử tế, tấm lòng quảng đại, vị tha và chia sẻ. Không có trẻ thơ, ai sẽ mở mắt chúng ta để không ngừng biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống.

Mỗi năm, lễ Giáng Sinh trở về để đánh thức Em Bé trong mỗi người chúng ta. Với em bé ấy, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước trong cuộc sống với đôi mắt lúc nào cũng mở lớn để chiêm ngưỡng những điều vĩ đại trong thực tế của cuộc sống mỗi ngày. Văn hào Pháp Marcel Proust đã từng nói “cuộc thám hiểm thật sự không phải là tìm kiếm những vùng đất mới, mà chính là có được đôi mắt mới.” (trích trong “The Power of Small” của Linda Kaplan và Robin Koval)

Mỗi ngày, tôi đã thử làm cuộc “thám hiểm” đó trong khu vườn nhỏ sau nhà tôi. Cố gắng nhìn thiên nhiên bằng “đôi mắt mới”, mỗi ngày tôi khám phá ra không biết bao nhiêu điều mới lạ. Tôi hiểu được tâm trạng hơi “bất thường”, nếu không nói là thật “trẻ con” của ông bạn tôi: chuẩn bị về hưu, ông khệ nệ “rước” một tổ ong về nuôi thử. Định nếu khấm khá sẽ nuôi thêm để có chút tiền đi du lịch. Những ngày đầu tiên, đã 9-10 giờ tối mà bạn tôi vẫn hăm hở đốt đèn lên, lò mò ra tổ ong để gọi là “chiêm ngắm” những điều kỳ thú trong xã hội loài ong.

Có những ngày, tôi cũng đã từng đứng hàng giờ như thế để ngắm cá bơi, ngắm bông hoa và cây trái trong vườn. Đọc sách có thể chán. Viết lách có thể cạn ý. Nhưng tôi có thể đứng “thừ người” trước thiên nhiên mà không thấy mỏi mệt.

“Đứa trẻ” trong tôi không những cho tôi những giây phút “ngất ngây” trước thiên nhiên, mà cũng mời gọi tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để nhận ra bao điều kỳ diệu trong cuộc sống mỗi ngày, nhứt là trong những quan hệ và gặp gỡ với người khác. Cái lý trí hẹp hòi, dễ có thành kiến và thiển cận của tôi không thể nào hiểu được cái thế giới đầy bí ẩn của bất cứ người nào tôi gặp gỡ. Tôi chỉ có thể cố gắng đi vào đó bằng ánh mắt “chiêm ngắm” và nhứt là cảm thông và tha thứ.

Sinh ra trong một gia đình công giáo, tôi đã từng nghe nói đến ông Già Noel. Từ lúc nhỏ cho đến giờ, tôi chưa từng được ông Già Noel nào chiếu cố đến. Tôi cũng chưa bao giờ mơ hay mong được ông Già Noel đêm đêm lén bỏ quà vào chiếc vớ đặt ở cuối giường. Vả lại, suốt tuổi thơ, tôi chỉ biết đi chân đất thì làm gì có vớ để ông Già Noel cho quà vào đó. Vậy mà bây giờ, khi bắt đầu bước từng bước mỏi mệt xuống bên kia đồi của cuộc sống, tôi lại tin có ông Già Noel. Nhờ ông mà tôi luôn cố gắng để mở to đôi mắt trẻ thơ hầu nhận ra Ánh Sáng hy vọng, vui tươi và an bình trong cuộc sống “đời thường” mỗi ngày. Tôi thấy có lẽ ông già Noel là người hạnh phúc nhứt trên đời này, vì lẽ ông được nhìn thấy bao nhiêu giọt lệ sung sướng của người khác. Vì vậy, tôi cũng muốn “nhập vai” của ông mỗi khi có thể. Nhìn người khác vui vì một cử chỉ nhỏ của mình là một phần thưởng lớn nhứt cho tôi.

Có thể nói: “Một câu chuyện đời thường tuyệt diệu không nhứt thiết phải là một câu chuyện mới lạ, mà chính là câu chuyện tầm thường với một kết cục “có hậu”.

Không ai có thể viết nên câu chuyện đời cho người khác nhưng vẫn có thể góp phần đưa đến có một kết thúc “có hậu” tốt đẹp như những câu chuyện Giáng sinh.

Chu Thập

Monday, December 12, 2011

Cảm Tác













Cuộc đời như áng mây bay
V
nơi xứ lạ... tháng ngày buồn tênh...
M
ột mình trên đỉnh chênh vênh
MỘT THỜI ĐỂ NH
... để quên ngậm ngùi...
LỊCH SỬ CÒN ĐÓ... ai ơi,
Âm thầm ghi chép, lưu đời về sau...
Còn mang chung một niềm đau
Làm sao xóa được nỗi sầu thời gian ???
Ôi, HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM...
Và bao năm nữa ngổn ngang nỗi buồn
Ôi quê hương!... ôi quê hương...!

THY LỆ TRANG
MASSACHUSETTS

Sunday, December 11, 2011

Nghiêng Tháng Mười Hai










Em về với tháng mười hai
Đôi tà hương lượn tóc cài Giáng Sinh
Hồn tôi thắp nến lung linh
Trái tim xưng những tội tình yêu em

Chuông xa xa vọng leng keng
Rung theo nhịp bước Nô En ông già
Tôi như đứa trẻ măng hoa
Lòng nao nức đợi món quà nửa đêm

Xin em mấy sợi tóc mềm
Kết chùm sao sáng giăng thềm cây thông
Trên cao thánh giá đứng trông
Câu kinh cầu nguyện tin mừng thế gian

Trót ăn trái cấm địa đàng
Tình tôi ngày tháng lang thang bên người
Em về tóc gió buông lơi
Lòng tôi dìu dặt những lời đồng ca

Trầm Vân


Hồn Thi Nhân








Những cánh cửa hé mở... Những dòng đời trôi theo một nhịp thiết tha, trôi theo mệnh nước, trôi theo phận người, trôi nổi bềnh bồng, chan chứa đam mê, đau khổ, và khát vọng trong ánh sáng chói lòa của tình yêu. Tình yêu, từ thuở hồng hoang, chỉ đơn thuần có hai màu trắng và đen.

Từ khi thi nhân tô màu hồng lên tình yêu, tình yêu bỗng bừng nở trên môi, trên má còn con gái, màu hồng phơn phớt của một loài hoa dễ thương, đẹp dịu dàng, đầy hương sắc, nhưng ẩn dấu không ít loài gai lửa... Tình yêu, dưới ngôn ngữ thơ, được nhà thơ nhân cách hóa với nàng thơ, với giai nhân, với hồng nhan tri kỷ, với chiếc áo dài, một cánh hoa, những nhan sắc thời danh...

Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
(Phạm thiên Thư)

Núi ngủ lâu rồi em biết không
Tà áo em bay pha sắc hồng
(Thái Thụy Vy)

Có một lần nào đó, thi nhân phết lên tình yêu một màu xanh, tình yêu bỗng trở nên tươi mát, trẻ trung dầy sức sống của một thời xuân sắc, màu xanh của những dấu yêu, của hi vọng, đã đưa tình yêu vào cõi bất tận, vào dòng sông bất tử của tình sử...

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím
(Nguyên Sa)

Xuân thu nhị kỳ, tình yêu, thêm một lần nữa, được thi nhân dệt áo lụa ngà, màu của những mùa hè e ấp vấn vương, màu đỏ của màu hoa thương nhớ len nhẹ tâm tư của thuở tình đầu, của yêu đương vụng dại. Tình yêu biến đổi theo mùa, bỗng rực lên với khát khao, với những thức thao...

Bãi cỏ mật ven đê, hoa cỏ may cào cấu
Gốc gạo già hoa đỏ, cánh diều bay
(Diễm Kim Loan)

Xin đừng hát nữa loài hoa đỏ
Một thuở xa rồi ngưng tiếng ve
(Thái Thụy Vy)

Màu vàng. Trời ơi ! "Thư em ướp nụ lan vàng. Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa" (Phạm thiên Thư). Thi nhân lại cặm cụi pha màu cho tình yêu rợp với cánh đồng hoa dại theo bén gót chân đi, màu vàng của yêu đương quấn quýt, quyện hương dan díu của hoàng lan bông chúa, màu vàng hoa thiên lý, lòai hoa ngây thơ, mới biết mộng mơ, màu vàng áo hoàng anh lộng nắng vẫy mời một hạnh phúc mong manh...

Giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
Tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa
(Nguyễn tất Nhiên)

Mùa thu xẻ ngõ lầy vết xe thổ mộ
Hoa cúc mở toang những cánh cửa vàng
(Tô Thùy Yên)

Trên cánh đồng hoang hoa nở vàng
Loài hoa theo nắng, nắng lang thang
(Thái Thụy Vy)

Đến lúc những mộng mơ thay đổi cung điệu, tình yêu lại được thi nhân cho khoác lên gam độ sắc tím. Màu tím lãng mạn của những ngày ái ân hoang dại, tím nỗi thương niềm nhớ, tím phai phai gợn ráng chiều, tím những lượn sóng tình chết lịm trên bãi cát vàng vào một buổi hoàng hôn nào đó từ huyền kiếp. Tím loài lan dại đến từ khói sương, tím một loài hoa trôi nổi, nổi trôi, một đời du mục không bến không bờ, tím phù du của các loài hoa dại trên cánh đồng hoang, và tím bằng một màu áo đơm bằng những năm tháng thiết tha, tha thiết...

Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa thao thức gọi nửa im lặng chờ
(Phạm Thiên Thư)

Em pha giọt nắng vào ly
Mùa thu chậm bước chân đi cuối trời
Lửa phong thắp sáng cõi đời
Lá thay áo tím xuống đồi ngủ yên
(Thái Thụy Vy)

Theo vòng sinh hóa của trời đất, với sự chuyển hóa của hai vầng nhật nguyệt và các vì tinh đẩu, tình yêu, với tất cả màu sắc kết hợp lại trên kính quang phổ, trên cầu vồng, vẫn là tinh túy của màu trắng bất tử, màu trắng của tuổi học trò, áo cưới và áo tang...

Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Chiều nay dở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh
(Phạm Thiên Thư)

Thảm cỏ mùa này trải thảm hoa
Hai cánh tay em trắng ngọc ngà
Nâng từng cánh trắng vương màu nắng
Run rẩy gió về, nắng kiêu sa
(Thái Thụy Vy)

Theo nhịp cuối cùng của vòng sinh hóa, màu trắng của tình yêu rồi có một ngày phải nhường lại cho màu đen vĩnh cửu...

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không ?
(Bùi Giáng)

Theo nhịp mỗi chu kỳ của dòng đời, những thanh, sắc, hương của một đời con gái, thì thi nhân còn giữ lại được những gì ? Khi tình yêu, nếu không gãy đổ nửa đường, hay vào đoạn cuối của cuộc đời ?

Đó là vấn nạn muôn đời để đời người và người đời ưu tư và suy ngẫm.

Cát bụi lại trở về với cát bụi, thi nhân là những người mượn lời thơ để lại những ánh sáng lung linh của tình yêu tan vỡ sau khi các vì tinh tú đã tắt, và chỉ còn có mình thi nhân làm bất tử tiếng sóng gào sau khi biển đã chết lặng theo cuộc tình...

Qua hồn thi nhân, chúng ta sẽ còn nghe mãi tiếng rơi cô đọng của giọt sương khi ánh hồng bao lần ló dạng và bao lần lặn mất tăm vào cõi u minh. Nhờ còn hồn thi nhân mà chúng ta còn nghe tiếng lục bình trôi khi sóng nước phù sa cuốn trôi loài hoa tím lang thang du mục vào biển cả...

Còn có hồn thi nhân, chúng ta còn nghe được chiếc lá thu lìa cuống xào xạc trên thềm hoang. Nhờ hồn thi nhân chúng ta còn nghe được dòng sữa trên gân lá vẫn rạo rực chảy khi chiếc lá đã nằm trên nấm mồ xanh cỏ, mặt lá vẫn bừng lên nhiễm sắc tố được ánh mặt trời gửi gấm. Và nhờ có thi nhân, chúng ta còn nghe được tiếng thở dài của gió luồn qua kẽ tóc của người yêu dấu khi những áng mây dĩ vãng dấu yêu đã trôi xa, thật xa...

Nhờ có hồn thi nhân viết lên các vần thơ mà "người đời mai đây có thể bỏ chúng, nhưng chúng không khi nào bỏ người đời".

Hỡi thi nhân, những con linh điểu trọc đầu, ngày đêm tha đá lấp sầu đại dương, tìm cách "hàn gắn cái Muôn Nơi Muôn Thuở, luôn luôn dang dở" trong tình yêu, để nhân loại "cảm nhiễm những nét đẹp thâm trầm ẩn dấu trong cuộc sống, cảm nhiễm cái sầu muộn mông mênh, những cái đẹp không phai trong văn chương". Nói theo nhà phê bình Joseph Huỳnh Văn:"Những lời thơ là chốn đi về của hồn thiên cổ...đã thiên cổ và mãi mãi thiên cổ".

Arlington,VA.1994

Thái Thụy Vy


Monday, November 14, 2011

Ngô Quyền Ngày Ấy










Ai về xứ bưởi cho tôi nhắn

Cô gái ngày xưa lớp Ngô Quyền

Mổi lần tan học cô thường đứng

Dưới rặng hàng me ăn vặt quà.

Đâu hay có kẻ đang lặng đứng

Mong được nhìn cô quay lại cười.

Đêm về gác trọ suy tư mãi

Thức trắng đêm dài nghĩ vẩn vơ


Những lá thư đầu ngây ngô viết

Lời đẹp ý hay buổi ban đầu

Nhưng sao cứ gặp lòng e ngại

Bối rối trên tay trước cổng trường.


Rồi gặp tôi nàng vờ như lạ

Còn riêng tôi bối rối trong lòng

Tôi muốn nói hôm đầu mới gặp

Tôi yêu em bằng cả tấm lòng


Lời nói nhỏ gió làm bay mất

Tôi thẩn thờ nhìn dáng em qua.

Tội cho tôi gã khờ buổi ấy

Vì yêu em nổi khổ đợi chờ!


Thời gian như giòng sông trôi chảy.

Em đi rồi ! xa mãi trong tôi

Chút tình buồn giờ phủ rong rêu

Tôi cúi mặt nổi buồn trỉu nặng!


Đặng Nhiên Thư

Biên Hòa, Dấu Xưa









Bao năm qua lưu vong đất khách
Mùa Xuân nào ta bỏ quê hương
Bỏ làng quê, trường củ, người thân
Bỏ tất cả lưu vong đất khách.


Nơi xứ lạ ngoài gì nổi nhớ
Nhớ con đường đi lại nắng mưa
Nhớ cầu Gành xe lộ người qua
Nhớ Tam hiệp, Cù Lao, Sông Phố.


Nhớ con đò Hóa An đưa khách
Chiều mưa buồn với lục bình trôi
Nhớ ngôi trường Mỹ Nghệ lâu xưa
Công viên nhỏ, giòng sông nước biếc.


Trường Ngô Quyền, con đường dốc nhỏ
Chiều tan trường, tà áo thướt tha
Áo nữ sinh tô trắng con đường
Ngôi trường đó thuở còn cắp sách.


Núi Châu Thới cuộc tình hò hẹn
Nói yêu em bên gốc thông già
Mái tóc thề vương vấn hồn tôi
Cuộc tình đó ngày tôi mới lớn.

Tháng tư đen của ngày mất nước
Quê hương chìm trong cảnh đau thương
Tôi đi tù Cộng Sản tập trung
Niềm uất hận lưu đày biệt xứ.


Nay tha hương làm thân viễn xứ
Đã bao mùa lá đổ ngoài sân
Lòng nghẹn ngào mỗi độ Xuân sang
Quê Xứ Bưởi gợi niềm thương nhớ.


Quê hương ơi cho ta hẹn gặp

Dẩu thân giờ tóc úa thu phai

Lòng hoài hương chất ngất trong lòng

Quê hương đó ngàn năm vẫn nhớ.


Đặng Nhiên Thư

Buổi Sáng Bên Khung Cửa







Buổi sáng bên tách cà phê
Đứng lặng nhìn qua khung cửa
Vài chiếc lá vàng mưa bay
Mùa Thu về trong ký ức .

Buổi sáng có cơn gió bay
Phì phà trên môi điếu thuốc
Đọc lại những vần thơ củ
Một thoáng buồn về trong tôi .

Tôi nhìn đời qua lăng kính
Cuộc đời mảnh vỡ thủy tinh
Những giọt pha lê nước mắt
Rơi trên những nỗi xót đau .

Buổi sáng nhìn mặt vào gương
Chút buồn rơi trên tóc úa
Vết hằn nằm in trên trán
Cuộc đời khốn khó vây quanh .

Buổi sáng đứng lặng mình tôi
Lá vàng ngập rơi trên lối
Một ngày qua..từng ngày qua
Tôi sống từng giờ hấp hối !

Đặng Nhiên Thư

Friday, October 28, 2011

Dáng Thu



Không còn cây nên đồi thênh thang gió

Nắng hanh hao rơi từng giọt rưng buồn

Chầm chậm ngựa thồ đi ngang qua ngõ

Chở cỏ chở sương lộc cộc trên đường.

Khăn choàng tím bay tràn vai thiếu phụ

Dáng xiêu gầy trĩu nặng nỗi niềm riêng

Mây mùa thu đưa gió về phủ dụ

Lay tàng cây xào xạc khúc ưu phiền.

Lưng chừng núi bờ lưng cong nón lá

Gánh chiều tà nhuộm sương trắng hoàng hôn

Chân dãi dầu liêu xiêu bờ sỏi đá

Hờ hững bay ngang bóng vạc về nguồn

HÀ THU THỦY

Thu Cảm








người về từ phương xa

Thu rơi bên thềm nhà

đường chiều vàng lá đổ

vườn trăng soi muôn hoa

bước chân dừng cuối phố

nhìn mùa Thu đi qua

ly cà phê quán nhỏ

mùi hương nào phôi pha


ngày xưa còn quanh đây

tình xa như mây bay

bóng ai mờ nhân ảnh

mưa rơi trên bờ vai

lắng nghe đời cô quạnh

Thu đầy trong bàn tay

chim trời sầu lẻ cánh

đường ra đi còn dài


ai chờ ai nơi đây

bên hiên nhà mưa bay

giọt dương cầm thánh thót

bài thu ca u hoài

đèn đường soi bóng nước

đi về đâu, đêm nay?

mưa cho đời lạnh ướt

mờ nhạt nét thu phai

Vương Trọng Thủy

Nhìn Những Mùa Thu Đi











THU VỀ:

Thời tiết, đột nhiên thay đổi, đang từ những cơn nóng hâm hấp, gay gắt của mùa Hè được đổi thành những tia nắng hanh vàng ấm áp, hòa với những làn gió mát hiu hiu, du dương thổi trên cành lá. Trời đang chuyển dần sang Thu. Trong bốn mùa, Mùa Thu đẹp nhất—Thu mang gió heo may, Thu rơi rụng lá vàng, Thu gợi cảm hứng cho thi-, nhạc-sĩ, Thu cũng là mùa cho các thanh niên, thiếu nữ dập dìu dạo phố với trang phục hợp thời dưới bầu trời đượm mát. Trên cây, lá đã bắt đầu ướm vàng, một cơn gió nhẹ lay, vài chiếc lá rụng rơi rớt trên sân nhà. Làn mây xám giăng khắp nơi, Thu lại đến rồi.

Mùa Thu, là mùa của thi nhân, mùa hoa cúc nở, mùa Vu Lan báo hiếu dâng bông hồng gửi tặng Mẹ-Cha, và cũng là mùa tựu trường. Học sinh lo sắm sửa quần áo, tập vở để trở lại học đường, đã qua rồi Mùa Hạ đỏ.

Thu đến, mang theo bao nhớ nhung, bao nhiêu kỷ niệm đong đầy trong ký ức bỗng hiện về trong tôi. Nhớ lại những mùa Thu năm xưa.

Những Mùa Thu đất Bắc....

Từ Hà Nội xuống Hải Phòng chờ máy bay vào Nam. Gia đình tôi tạm trú ở một căn nhà gần chợ Hàng Cau. Trời đang bắt đầu vào Thu, mưa phùn bay lất phất. Ba Mẹ dắt chị em chúng tôi lên Phố Tàu, đến các gian hàng bán bánh Trung Thu trên phố Đồn Đất. Trong khi Mẹ lo chọn lựa bánh dẻo, bánh nướng, chị em tôi đứng chôn chân trước các cửa tiệm, không phải vì mê ăn bánh mà là mê xem những hình nộm bằng vải bông mà chủ tiệm bánh đã trưng bày trên căn gác cao, chúng tôi mê say xem những hình nho nhỏ nhảy múa trên đó như xem phim hoạt họa puppet. Không biết họ làm thế nào mà những cô tiên bằng vải biết tung xiêm y lả lướt ca múa rất đẹp.

Trên đường Đoàn Lân thi nhau múa để lãnh thưởng, kèn trống tưng bừng, rất vui. Mùa Thu cũng là mùa của cây trái chín. Ở miền quê, mùa gặt vừa xong, những thau cốm vòng xanh mướt thơm phức mùi lúa non, mềm mại và ngọt ngào, những quả hồng mộng đỏ, ngon mắt. chị em chúng tôi thích nhất là được Mẹ mua cho mấy quả thị thơm thơm bỏ túi.

Mẹ nấu một ấm trà sen thơm ngát, ba mẹ uống trà sen ăn hồng chín chấm cốm vòng. chúng tôi ăn bánh trung Thu, bánh cốm, ca hát:

Bóng trăng, trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ...

Rồi nghe Ba kể chuyện "Chị Hằng và Chú Cuội". Vừa nghe, vừa mê mẩn nhìn lên vầng trăng trên cao. Trăng Rằm Trung Thu tròn và sáng qúa, tôi cứ tưởng tượng trên đó có cặp uyên ương thương nhau đến nỗi mang cả cây đa lên sống trên mặt trăng, tôi hỏi Ba.

- Ba ơi! Mặt trăng nhỏ như thế thì làm sao chứa được chị Hằng, Chú Cuội và cả cây đa nữa hả ba?

- Mặt trăng không nhỏ đâu con. Chỉ vì mặt trăng đang ở rất xa chúng ta cho nên thấy nhỏ đấy thôi, chứ mặt trăng to lắm.....

Khi Trời lành lạnh, Mẹ khoác cho tôi chiếc áo len mỏng. Buổi tối, sương Thu thấm lạnh, lá vàng thi nhau rơi, mưa bụi bay lất phất. Có hôm được ngồi xe kéo với Mẹ đi chợ, nhìn mây bay, lá đổ, mưa phùn đẹp lắm, vì thích những giọt mưa nho nhỏ nên tôi cứ mở tấm vải che xe ra đưa mặt hứng những giọt mưa Thu, mát lạnh. Tôi mê nhặt những chiếc lá phong, lá bàng, vài cánh hoa phượng đỏ, đem về bỏ vào quyển sách ép lại để dành. Đấy mùa Thu đất Bắc của tôi chỉ là những đêm trăng sáng, những ngày dầm mưa như thế trong kỷ niệm thôi.

Thu Phương Nam

Di cư vào Nam, gia đình tôi định cư trong Phi Trường Biên Hòa. Mùa Thu và Tết Trung Thu cũng là những ngày vui vô tận. Chúng tôi gia nhập đoàn thiếu nhi dưới sự hướng dẫn của anh Đoàn Trưởng. Tất cả 20 người vừa trai, vừa gái, xấp xỉ tuổi nhau hợp thành một đoàn vũ "Tuổi Thơ". Mẹ tôi khéo tay nên tự may cắt quần áo trang phục cho ban vũ thiếu nhi mặc trong các buổi trình diễn. Anh Đoàn trưởng dạy chúng tôi đủ các điệu múa từ "Trăng Sáng Trong Làng, Khúc Ca Ngày Mùa, đến Sơn Nữ Ca, v.v...” phía con trai thì đóng kịch, đàn trống, tập võ, múa Lân, v.v.

Nhờ sự tập luyện dìu dắt khéo léo của anh Đoàn Trưởng nên chúng tôi đã trở thành một đoàn Thiếu Nhi xuất sắc của Phi Trường. Chúng tôi thường được tham gia các màn ca múa giúp vui xen kẽ với những màn hát của các ca sĩ nổi tiếng được mời vào Phi Trường hát trong những dịp Đại Nhạc Hội, Lễ, Tết.

Tuổi thơ qua đi thật nhanh, những sinh hoạt vui đùa, ca múa không còn nữa. Bắt đầu bận bịu vào việc học hành, rồi Hè về với phượng đỏ đầy sân, ve sầu rả rích trên cành phượng vĩ. Bạn bè chia tay, hẹn gặp lại vào mùa Tựu Trường. Ba tháng Hè vừa hết thì chúng tôi bắt đầu cho niên học mới, bận bịu, lao xao đèn sách. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi quên Mùa Thu đến với những ước mơ lãng mạn, và suy tư mơ mộng. Mùa Thu vẫn là Mùa đẹp nhất của chúng tôi.

Thu đến đẹp quá! Không ai tránh khỏi niềm cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thu khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng, thoáng chút buồn vương vô cớ. Mùa thu, màu trời bàng bạc mây trắng bay là đà trên cao, những đóa hoa cúc vàng khoe sắc thắm, mùa của rừng cây thay sắc áo, mùa của những cơn mưa dai dẳng, rả rích kéo dài suốt ngày. Mùa Thu của chúng tôi vào những buổi thẫn thờ dạo chơi theo những lối mòn ngập đầy xác lá trong công viên. Hay nằm gối đầu dưới gốc cây lặng ngắm nhìn cảnh gió đùa lá bay bay, thả hồn mơ mộng vẩn vơ, dệt những vần thơ ngu ngơ, vụng về... Mùa Thu ơi, Thu đã về đây...

Ghé vào nhà thủy tạ bên bến sông Đồng Nai, gần Ty Bưu Điện Biên Hòa, tựa thành cầu đưa mắt nhìn lên cao, làn mây trắng đục, trên cành phượng vĩ lòa xòa lá vàng rụng trôi trên sông. Đám lục bình màu hoa tím tim, lững lờ xuôi theo con nước chảy. Nhớ bài hát "Thu Vàng" nổi tiếng của nhạc sĩ Cung Tiến mà lòng chợt thấy xôn xao:

Chiều hôm qua lang thang trên đường

Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương

Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng

Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương

Một mình đi lang thang trên đường

Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng

Lòng xa xôi và sầu mênh mông.

Có nghe lá vàng não nề rơi không....

Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ những mùa Thu ở Biên Hòa, tuy không nai vàng ngơ ngác nhưng rất vui và khó quên. Thật ra thì miền Nam chỉ có hai mùa Mưa-Nắng, không Xuân, Hạ, Thu, Đông... nhưng vào tháng 7-8 thì vẫn có những cơn mưa phùn bay lất phất. Những buổi tối Thu buồn, xuyên qua khe cửa, nhìn những hạt mưa bay bay, mưa qua mái ngói, mưa trên phố nhỏ. Trời chỉ hơi lành lạnh. Nhớ những hàng quà, hàng bánh ở đầu ngõ, nhất là hàng bắp nướng. Nằm nghe mưa rơi tí tách trên mái hiên nhà và nhai bắp nóng thì tuyệt vời. Mùi vị ngon ngọt, những hột bắp đều đặn, thêm mùi béo béo của mỡ hành, ngon sao là ngon! Không biết bắp ở đâu vừa dẻo vừa ngọt thế! Tôi ăn mãi không chán. Có lần nghe bà bán bắp bảo:

- Cô ăn thử bắp Tân Triều mới hái ngọt lắm.

Tuy chưa hề bước chân đến Tân Triều, nhưng nếu đó đúng là bắp Tân Triều thì quả thật là ngon tuyệt. Rồi đến hàng chuối nướng. Cô bé bán chuối lanh lẹ, những quả chuối chín mềm bọc trong cơm nếp, gói bằng một lớp lá chuối, bỏ lên bếp than nướng, khi chuối chin tới nóng hổi thơm mùi chuối, và vị béo của nước cốt dừa tươm ra, ngon, béo, ngọt lịm, thoảng hương chuối chín khá hấp dẫn. Ngon không thua món sôi khầu lảm của người Lào nướng bằng ống tre.

Dạo một vòng về miền quê xa xa, nhin ánh nắng vàng nhạt nhòa cùng với màu vàng rực rỡ của cánh đồng, tạo nên một bức tranh đồng quê vô cùng linh động. Dừng chân bên này bờ sông Đồng Nai nhìn sang bờ bên kia, hít thở không khí trong lành và đón nhận cơn gió nhẹ thổi thoáng chốc bao nhiêu lo toan trong lòng dường như tan biến.

Cũng vào một ngày chớm Thu. Bốn đứa bạn chúng tôi rủ nhau về căn nhà nhỏ của gia đình Dung ở Máy Cưa để ôn bài. Tiếng mưa rả rích, thỉnh thoảng vài ngọn gió thổi qua rung tàn cây phượng trước cửa, những hạt mưa long lanh đọng trên các cánh hoa phượng trong suốt như hạt thủy tinh tuyệt đẹp. Mưa cứ tí tách rơi, nghe vừa buồn, vừa lạnh. Cả bọn ao ước một tô cháo nóng... Bích đề nghị.

- Hay là tụi mình đi mua lòng về, mình sẽ nấu cháo lòng cho các bồ ăn

- Có chắc là bồ biết nấu cháo lòng không đó? Coi chừng ăn cháo khét

- Bảo đảm mà, cứ mua về đi, mình sẽ trổ tài cho

Chúng tôi chạy đi mua các thức đem về cho nàng Bích ra công nội trợ... Bích thật giỏi, chỉ một thoáng là xong nồi cháo, khói bay nghi ngút thơm phưng phứt. Tối hôm đó chúng tôi cùng quây quần bên nồi cháo nóng tuy thiếu đủ thứ gia vị mà ngon ơi là ngon! Vị tiêu cay cay, mùi hành ngò thơm nồng cả mũi...

Thu trên bầu Trời Virginia

Giờ đây, một mình ngồi nhớ lại những ngày Thu xưa, nhớ những cô bạn của tôi bây giờ đang còn ở quê nhà. Xa nhau hơn nữa vòng trái đất, mà kỷ niệm vẫn còn đầy ắp trong tôi. Nhớ thật nhiều về những mùa Thu xa. Không biết bên ấy các bạn đón Thu như thế nào? Có còn mơ mộng vấn vương nhìn Trời mây xám, ngắm lá vàng bay nữa không? Riêng tôi, bâng khuâng nghe thời tiết đang chuyển dần vào Thu, có mây, có gió, có mưa phùn lất phất và có hàng loạt lá vàng lao chao khi làn gió thổi qua. Mùa Thu đang về trên tiểu bang Virginia đấy các bạn ạ.

Khi Trời chuyển Thu thì khí hậu thật lạ lùng. Có hôm, trời nắng thật đẹp. Không phải ánh nắng gay gắt, chói chang mà nắng vàng óng ánh chiếu trên ngàn lá. Lại có những hôm, mưa dầm dề. Bầu Trời u ám, cây cỏ xơ xác vì những trận mưa dai dẳng kéo dài tưởng chừng không bao giờ tạnh, còn làm ngập đường phố nữa. Lúc thì trời đang nắng, bất chợt mưa. Những cơn mưa ào ào đổ như trút nước. Rồi tụ lại thành những dòng nước chảy xiết xuống con suối trước cửa nhà. Thế rồi, mưa chợt tạnh, trời lại nắng. Nắng lung linh chiếu xuyên qua những vòm cây, lóng lánh những giọt nước mưa thật đẹp. Mùa Thu chuyển mình như thế đấy. Phải nói Mùa Thu ở VA rất đẹp. Ở đây ta mới thấy rõ được sự thay đổi của thiên nhiên, tạo hóa đã biến chuyển rõ ràng từ mùa này sang mùa kia. Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Chỉ sau vài cơn gió mát dìu dịu thoáng qua, cả thành phố bỗng dưng nhuốm một sắc thái khác hẳn bầu không khí rộn rịp, hối hả của mùa Hè. Những chiếc áo T-shirt, những bộ áo tắm màu sắc sặc sỡ nhường chỗ cho những bộ y phục mùa Thu với màu sắc hài hòa, thanh nhã. Những buổi sớm đầu Thu, trời mát lạnh. Không phải cái lạnh buốt đến tận xương mà chỉ hơi vừa đủ để ta thèm một ly cà phê nóng thơm ngát, ấm lòng.

Đến trưa, khí hậu thật dễ chịu, âm ấm hương thu, man mát đong đưa theo làn gió heo may. Bầu Trời mây xám điểm tô vài cánh chim bay lượn lưng trời. Đến tối thì nhiệt độ bắt đầu giảm dần, trời trở lạnh nhưng không lạnh lắm, vừa đủ ấm để ta có dịp mặc những chiếc áo thời trang mùa Thu. Những hàng cây phong trong thành phố lần lượt theo nhau thay đổi sắc màu. Có những cây mới vài hôm trước vẫn còn xanh mướt, thế mà chỉ sau vài trận gió lạnh thổi ngang đã vội chuyển màu. Phong cảnh bỗng dưng lạ hẳn khiến lòng ta thoáng chút ngẩn ngơ. Dọc theo những con đường rợp bóng mát, một vùng toàn những hàng cây lá đỏ, vàng, chen lẫn nhau tạo thành những bức tranh độc đáo. Ðẹp sao là đẹp!

Nếu có dịp, hãy đi tham quan trên đồi Skyline, ngồi trên thảm cỏ xanh phóng tầm mát xa xa, nhìn xuống thung lũng. Lung linh trong nắng, từng loạt lá vàng cứ tiếp tục thi nhau rơi như đàn bướm lượn bay lao chao, rồi rơi xuống rải rác đó đây trên thảm cỏ muợt mà. Lá Thu nhẹ nhàng rơi phủ chồng chất lên nhau đầy trên sân trông như những tấm lụa vàng óng ả. Rồi cùng nhau vào thăm khu rừng phong Thu ở Reading, nơi đây phong cảnh hữu tình, đường dài thăm thẳm, hai bên hàng cây, lá tươm vàng thắm trên con đường độc đạo, xuyên sơn. Lơ lửng Trời cao, mây xanh ngút ngàn, vi vu làn gió Thu rì rào rung rinh cành lá úa, tạo nên một cảnh sắc thật đẹp, rất đặc biệt. Buổi sáng thức dậy, sẽ thấy từng hạt sương long lanh đọng trên cọng cỏ xanh mướt, một vài tia nắng Thu chiếu xuyên qua cửa, nắng rọi trên những phiến lá đủ màu, rải rác khắp nơi tạo nên những màu sắc quyến rũ lả lơi.

Đó là sự quyến rũ của mùa Thu? Đi bách bộ dọc lên đồi Overlook, hai bên đường là hai hàng cây thấp thoáng ẩn hiện sau lớp màn sương mù, hững hờ giăng ngang, màu sắc rực rỡ chập chùng đan quyện lẫn nhau. Đẹp sao là đẹp! Không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được hết cảnh đẹp thiên nhiên của mùa Thu nơi đây, và cũng là lúc thiên hạ bắt đầu sửa soạn cho những ngày Lễ sắp đến, cùng nhau vào vườn lựa chọn mua những trái bí đỏ (pumpkin) đem về cắt tỉa theo hình mặt người cười nhe răng rồi đem chưng trước của nhà. Thiên hạ bắt đầu trang hoàng sửa soạn cho lễ Halloween. Hình người bù nhìn bằng rơm, bằng vải nằm bên cạnh mấy chùm bắp khô, hình mụ phù thủy mũi nhọn, mặc áo đen ôm cán chổi, những hình ma, quỷ, dơi, quạ, mạng nhện được dán, treo lên cửa kính, cửa sổ hay trên những cành cây trước nhà. Đây là một tập tục theo truyền thuyết cổ xưa, nhà nhà đều mua kẹo để phát cho các trẻ em đến gõ cửa vào tối 31 tháng 10.

Rồi đến Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) là một trong những ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm ở Mỹ, được tổ chức vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Thanksgiving là ngày nghỉ Lễ của gia đình, mọi người cùng nhau quây quần, đoàn tụ. Ai đi làm xa cũng tranh thủ nghỉ phép về xum hợp gia đình, Lễ Tạ ơn cũng là dịp mua sắm lớn nhất. Ngày Thứ Sáu sau ngày Thanksgiving là ngày các cửa tiệm rất bận rộn vì mọi người bắt đầu đổ xô đi mua sắm thật đông, nên người Mỹ gọi là (Black Friday).

Các cửa tiệm mở của từ tờ mờ sáng cho đến mãi nửa đêm. Đây là dịp cho các nhà kinh doanh tung hàng ra bán, người tiêu thụ được mua với giá rẻ, người bán thì bán ra một số lượng hàng khá nhiều. Họ sắm sửa mãi cho đến hết Mùa Thu, để rồi sửa soạn đón mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Khi đó mọi người bắt đầu lại bận rộn treo đèn kết hoa, dọn dẹp, mua sắm quà cáp biếu xén bà con bạn bè và chào đón mùa Noel sắp đến. Mùa Thu qua đi, Gió Bấc thổi về và Mùa Đông lạnh buốt cùng những cơn tuyết lạnh sắp sửa thi nhau đổ về miền Đông Bắc.

Đã bao lần Thu đến rồi đi. Nhìn những mùa Thu đi mà lòng tôi không khỏi bùi ngùi nhung nhớ. Hồi tưởng lại những năm tháng xa xưa. Mấy chục năm xa quê hương và mấy chục mùa Thu nơi xứ người. Hơn nửa vòng trái đất xa xăm kia, không biết mùa Thu bên đó bây giờ ra sao? Có còn những hương vị mùa Thu của chúng tôi ngày xưa không? Hay chỉ là xa hoa, lộng lẫy cho những người giàu, sống trên nhung lụa còn biết bao nhiêu người đang trong cảnh « khố rách, áo ôm». Mùa Thu đến với họ như thế nào nhỉ?

Theo dõi tin tức hàng ngày trên báo chí, thông cảm được những nỗi khổ, thiếu thốn của những người nghèo nơi quê nhà, tôi không khỏi xót xa, thương cho đất nước vẫn chưa được thanh bình, vẫn còn những chênh lệch kẻ giàu sang phung phí nơi thành thị, người nghèo hèn vẫn cơ cực lầm than nơi miền quê xa.

Thu ơi! Bao giờ Thu êm đềm sẽ thật sự về trên quê hương? Bao giờ nắng Thu sẽ vương đầy lối cỏ? Lá Thu vàng sẽ ngập lối làng quê? Ước mong một ngày mai thanh bình thật sự về trên quê hương mình. Và khi đó người người sẽ không còn bùi ngùi tiếc nuối khi:

Nhìn những mùa thu đi. Ta nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song. nghe tên mình vào quên lãng. Nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Nhìn những lần thu đi. Tay trơn buồn ôm nuối tiếc. Nghe gió lạnh về đêm. Hai mươi sầu dâng mắt biếc. Thương cho người rồi lạnh lùng riêng….

Viết cho Mùa Thu

Kiều Oanh Trịnh, VA 2011

Wednesday, September 28, 2011

Hoài Niệm










...Ta lại thấy ta tuổi lên mười , lên chín
Thuở Thiên đường là những vạt cỏ xanh
Hạnh phúc niềm vui thoăn thoắt bước chân nhanh
Thuở "cơm độn" mà mơ làm Công chúa !...
Ta lại thấy ta buổi trường làng đóng cửa
Đánh đáo , đánh chuyền , "Bịt mắt bắt dê"
Ngọn cỏ gà thua thắng ở triền đê
Con dế gộc rũ nhau vào trận chiến !
Ta thấy ta "Nhảy lò cò" trong nắng
Tóc bay bay , đôi má đỏ hây hây
Buổi công hầu tựa mây gió ngàn lay
Chỉ ao ước "nắm cơm" từ tay mẹ !
Ta lại thấy ta nhón chân , khe khẽ
Hái trộm cành hoa mới nở nhà bên
Đem ép vào trang "Lưu bút ngày xanh"
Cả giọt lệ chia tay mùa hạ đỏ !...
Ta thấy ta thoáng buồn qua rất nhẹ
Nỗi đau đời chưa hằn dấu trong tim
Mở lòng tay tưởng hái cả sao đêm
Nhịp chân sáo , lung linh ngàn hoa nắng...
....................................
Ta lại thấy ta...một ngày xa lắm
Trở về tìm hình bóng tuổi thơ xưa
Trên cánh đồng ký ức lắm gió mưa
Dấu chân cũ , lá mùa sau đã khuất !
Chỉ còn lại , trong tận cùng tâm thức
Thoảng bên tai lời ai gọi...mù xa
Những thu vàng , đông lạnh ...cũng dần qua
Mai lại nắng , ừ - nắng thương mùa cũ !!...



18 / 09 / 2011

Tịnh Vân

Vẫn Là Anh... Vẫn Là Em








Vẫn là câu chuyện ngày xưa

Mà sao nhắc mãi chưa vừa ...nhớ thương

Bao năm qua-một đoạn đường...

Ngút ngàn tiếc nuối...ngút ngàn xót xa

Vẫn là anh -thuở hào hoa

Ngông nghênh-lãng mạn-thiết tha-dại khờ...

Vẫn vòng tay rộng đón chờ

Tình xưa nung nấu đợi giờ hồi sinh

Vẫn là em-chỉ một mình

Đi trong nỗi nhớ...về trong nỗi buồn

Vẫn hờ hững-vẫn ngại ngần

Mặc cho năm tháng phai dần tuổi xuân

Vẫn là chiếc bóng lặng câm

Nhìn ai hạnh phúc...âm thầm nghe đau

Luân thường gìn giữ cho nhau

Xem như mình lại lỡ tàu nửa đêm

Vẫn là anh...vẫn là em...

Hãy đem dĩ vãng êm đềm chôn sâu

THY LỆ TRANG

Tuesday, September 6, 2011

Dốc Xưa


"Tặng những bạn đã từng đưa đón nhau trên dốc Ngô Quyền"


Một chiều, qua dốc cũ
Nhớ vòng xe thuở nào
Cuộc đời nhiều biến động
Vô thường như chiêm bao

Dốc xưa vẫn còn đó
Bao cuộc tình đi qua
Thời học sinh mơ mộng
Kỷ niệm giờ trôi xa

Nắng Hè, leo dốc mệt
Đạp xe, nặng mối tình
Mưa Thu, xe đổ dốc
Thấy cuộc tình mênh mông

Dòng đời trôi miên man
Dốc xưa trong miền nhớ
Vì tình yêu muôn thuở
Vượt không gian, thời gian.

Huỳnh Phước Minh

Sunday, July 24, 2011

Niềm Vui Tương Ngộ











Hội ngộ Ngô Quyền vui biết bao!

Cùng nhau nhắc nhớ chuyện năm nào...

Châu, Hồng, Hoa, Hạnh duyên tương ngộ

Bốn thập niên dài gặp lại nhau.

Mừng mừng tủi tủi, vòng tay ấm

Nói nói cười cười, dạ xuyến xao.

Rưng rưng giọt lệ giờ tạm biệt

Chia tay, hẹn tái ngộ lần sau...

Hát Bình Phương