Lễ Giáng Sinh thường được kể như một câu chuyện thần tiên. Và dĩ nhiên, cũng như mọi câu chuyện thần tiên, Lễ Giáng sinh dễ được thi vị hóa. Chúa Giêsu đã chào đời trong Ánh Sáng rực rỡ của Đêm Belem. Trong máng cỏ có súc vật quì thở mang lại hơi ấm. Trên không trung có tiếng đàn ca của các thiên sứ. Câu chuyện ấy lại càng trở nên huyền hoặc hơn với hình ảnh của Santa Claus hay ông Già Noel mỗi năm từ một xứ tuyết xa xôi nào đó ở Bắc Cực cỡi chiếc xe được kéo bởi một bầy sơn dương mang đến vô số quà tặng cho trẻ con và người lớn. Câu chuyện Giáng Sinh lại càng thơ mộng hơn với Cây Thông đầy tuyết và những ngôi sao lấp lánh mọc lên khắp nơi.
Khung cảnh mộng mơ và lãng mạn ấy dễ làm cho người ta quên đi cái thực tế rất là “đời thường” của Giáng Sinh. Hãy thử tưởng tượng nỗi lo lắng của cặp vợ chồng trẻ nghèo phải vất vả tìm một chỗ qua đêm ở chốn xa lạ mà chẳng được ai mở cửa đón tiếp. Hãy thử tưởng tượng cái cảnh dơ bẩn và hôi thối của một chuồng súc vật. Chính đó là nơi mà người vợ buộc lòng cho đứa con của mình chào đời! Chính trong khung cảnh đó mà một trẻ thơ được sinh ra và bầu khí ấm cúng của gia đình được thành hình. Khung cảnh ấy, dù sang giàu hay nghèo hèn, cũng đều giống nhau bởi vì đó là thực tế của cuộc sống.
Như vậy, câu chuyện Giáng Sinh thiết yếu cũng là câu chuyện hàng ngày trong cuộc sống con người. Có vất vả, sầu đau. Có lo lắng, vui mừng. Có chia cách, đoàn tụ.
Câu chuyện đoàn tụ của cặp vợ chồng già trong đêm Giáng Sinh là tiêu biểu của vô số những chia ly, cách trở, mong đợi, tìm kiếm và đoàn tụ trong cuộc sống con người. Như tấm khăn trải bàn của cụ bà, câu chuyện được dệt lên từ nhiều tình tiết vốn cũng là chuyện mỗi ngày: ngôi nhà thờ xuống cấp vì vắng người, nỗ lực hy sinh của vợ chồng vị mục sư trong những ngày chuẩn bị Lễ Giáng Sinh, phiên chợ từ thiện với trăm thứ lỉnh kỉnh được mang ra bán với hy vọng góp một tay vào việc giúp đỡ những người túng thiếu, một cụ bà lỡ chuyến xe buýt được mời vào bên trong nhà thờ để sưởi ấm, một cụ ông đơn chiếc được chở đi một vòng trong đêm Giáng Sinh...Cuộc hội ngộ bất ngờ và kỳ thú là đỉnh điểm và hội tụ của những chuyện “đời thường” ấy.
Chuyện Giáng sinh là chuyện thường ngày đã trở thành bất tử, cho nên bất cứ điều gì được nhìn trong Ánh Sáng của Giáng Sinh cũng trở thành bất tử. Chẳng có bài thánh ca nào đơn giản về âm nhạc lẫn ca từ cho bằng bài “Silent Night” (Đêm thánh vô cùng). Vậy mà bao lâu trên trái đất này còn có lễ Giáng Sinh thì chắc chắn mọi người trên thế giới, nếu không lắng nghe thì cũng cất hát lên bài thánh ca này. Riêng với người công giáo Việt nam thì, dù có lưu lạc ở đâu, bao lâu còn mừng lễ Giáng Sinh, ngay cả giữa mùa hè nóng chảy lửa như ở Úc đại lợi, bài thánh ca “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” vẫn mãi mãi được hát lên. Giáng Sinh đã làm cho những cái đơn sơ nhứt trở thành bất tử.
Trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là một “Trẻ Thơ”. Từ ngàn xưa, một vị ngôn sứ của dân tộc Israel đã loan báo “Một Trẻ Thơ đã được ban tặng cho chúng ta”. Đây cũng chính là điều được thiên sứ lập lại trong đêm Giáng Sinh: “Ta báo cho các ngươi một tin vui: một hài nhi đã chào đời”. Dù tin hay không, đã mừng Giáng Sinh thì ít nhứt cũng phải tin có một Em Bé đã chào đời. Em Bé ấy đã được ban tặng cho con người để, như lời dạy của chính Chúa Giêsu, con người cũng phải trở nên như em bé để được vào Nước Trời.
Trong văn hóa nào, trẻ thơ cũng luôn là biểu tượng của hồn nhiên, trong trắng, ngây thơ. Không có trẻ thơ, ai sẽ nhắc nhở chúng ta về sự hiện hữu của Ông Già Noel, của sự tử tế, tấm lòng quảng đại, vị tha và chia sẻ. Không có trẻ thơ, ai sẽ mở mắt chúng ta để không ngừng biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống.
Mỗi năm, lễ Giáng Sinh trở về để đánh thức Em Bé trong mỗi người chúng ta. Với em bé ấy, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước trong cuộc sống với đôi mắt lúc nào cũng mở lớn để chiêm ngưỡng những điều vĩ đại trong thực tế của cuộc sống mỗi ngày. Văn hào Pháp Marcel Proust đã từng nói “cuộc thám hiểm thật sự không phải là tìm kiếm những vùng đất mới, mà chính là có được đôi mắt mới.” (trích trong “The Power of Small” của Linda Kaplan và Robin Koval)
Mỗi ngày, tôi đã thử làm cuộc “thám hiểm” đó trong khu vườn nhỏ sau nhà tôi. Cố gắng nhìn thiên nhiên bằng “đôi mắt mới”, mỗi ngày tôi khám phá ra không biết bao nhiêu điều mới lạ. Tôi hiểu được tâm trạng hơi “bất thường”, nếu không nói là thật “trẻ con” của ông bạn tôi: chuẩn bị về hưu, ông khệ nệ “rước” một tổ ong về nuôi thử. Định nếu khấm khá sẽ nuôi thêm để có chút tiền đi du lịch. Những ngày đầu tiên, đã 9-10 giờ tối mà bạn tôi vẫn hăm hở đốt đèn lên, lò mò ra tổ ong để gọi là “chiêm ngắm” những điều kỳ thú trong xã hội loài ong.
Có những ngày, tôi cũng đã từng đứng hàng giờ như thế để ngắm cá bơi, ngắm bông hoa và cây trái trong vườn. Đọc sách có thể chán. Viết lách có thể cạn ý. Nhưng tôi có thể đứng “thừ người” trước thiên nhiên mà không thấy mỏi mệt.
“Đứa trẻ” trong tôi không những cho tôi những giây phút “ngất ngây” trước thiên nhiên, mà cũng mời gọi tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để nhận ra bao điều kỳ diệu trong cuộc sống mỗi ngày, nhứt là trong những quan hệ và gặp gỡ với người khác. Cái lý trí hẹp hòi, dễ có thành kiến và thiển cận của tôi không thể nào hiểu được cái thế giới đầy bí ẩn của bất cứ người nào tôi gặp gỡ. Tôi chỉ có thể cố gắng đi vào đó bằng ánh mắt “chiêm ngắm” và nhứt là cảm thông và tha thứ.
Sinh ra trong một gia đình công giáo, tôi đã từng nghe nói đến ông Già Noel. Từ lúc nhỏ cho đến giờ, tôi chưa từng được ông Già Noel nào chiếu cố đến. Tôi cũng chưa bao giờ mơ hay mong được ông Già Noel đêm đêm lén bỏ quà vào chiếc vớ đặt ở cuối giường. Vả lại, suốt tuổi thơ, tôi chỉ biết đi chân đất thì làm gì có vớ để ông Già Noel cho quà vào đó. Vậy mà bây giờ, khi bắt đầu bước từng bước mỏi mệt xuống bên kia đồi của cuộc sống, tôi lại tin có ông Già Noel. Nhờ ông mà tôi luôn cố gắng để mở to đôi mắt trẻ thơ hầu nhận ra Ánh Sáng hy vọng, vui tươi và an bình trong cuộc sống “đời thường” mỗi ngày. Tôi thấy có lẽ ông già Noel là người hạnh phúc nhứt trên đời này, vì lẽ ông được nhìn thấy bao nhiêu giọt lệ sung sướng của người khác. Vì vậy, tôi cũng muốn “nhập vai” của ông mỗi khi có thể. Nhìn người khác vui vì một cử chỉ nhỏ của mình là một phần thưởng lớn nhứt cho tôi.
Có thể nói: “Một câu chuyện đời thường tuyệt diệu không nhứt thiết phải là một câu chuyện mới lạ, mà chính là câu chuyện tầm thường với một kết cục “có hậu”.
Không ai có thể viết nên câu chuyện đời cho người khác nhưng vẫn có thể góp phần đưa đến có một kết thúc “có hậu” tốt đẹp như những câu chuyện Giáng sinh.
Chu Thập
No comments:
Post a Comment