Những Bài Viết Hay




 N ĐI MT NA, CÒN MT NA ƠN EM
Ngày 7/12/2007 - Phạm Tín An Ninh
 
( Viết cho em và những người vợ lính trung hậu )
Thời còn đi học, lang thang từ Nha Trang đến Sài Gòn, dù con nhà nghèo, học tàm tạm, và nhan sắc dưới trung bình, tôi cũng đã mang tiếng đào hoa. Cho nên có muốn kéo dài thêm cái đời học trò để được mơ mộng đủ thứ chuyện dưới biển trên trời thiên hạ cũng đâu có cho. Rồi có phải thuộc giòng hào kiệt gì đâu, tôi cũng xếp bút nghiên theo việc kiếm cung. Nói kiếm cung cho nó vẻ văn chương và lãng mạn, chứ thực ra tôi vào lính, mà lại là thứ lính hạng bét thì làm gì có kiếm với cung. Có phải lính tàu bay tàu thủy gì đâu, mà là lính đi bộ. Lúc băng rừng lội suối, mặc bộ đồ trận hôi hám cả tuần không tắm, tôi ghét cay ghét đắng cái ông nào là tác giả cái câu "Bộ Binh là nữ hoàng của chiến trường" mà tôi đã đọc được ngay từ khi mới vào quân trường, đếm bước một hai để hát bài "đường trường xa". Khổ thì khổ vậy, chứ mấy cô gái bé bỏng hậu phương lại mê lính trong mấy bản nhạc của ông Nhật Trường. Vì "nếu em không là người yêu của lính, ai thương nhớ em chiều rừng hành quân, ai băng gió sương cho em đợi chờ, và giữa chốn muôn trùng ai viết tên em lên tay súng ? .. ". Nhờ vậy, trong mấy năm đóng quân dọc đường số 1, nơi nào tôi cũng để lại vài mối tình con. Tôi nghĩ đời lính như vậy mà vui, thì thôi chớ tính chuyện vợ con làm gì cho nó vướng chân vướng cẳng. Hơn nữa tôi cũng hiên ngang với đám con gái lắm, thì làm gì có chuyện "chết trong mắt em". Vậy rồi trời xuôi đất khiến thế nào, sau mấy năm đánh đấm ở Quảng Đức, Ban Mê Thuột rồi Bình Định, Phú Yên, đơn vị tôi được mấy cái tàu há mồm chở vào bỏ xuống bãi biển Nha Trang vào lúc đường phố mới lên đèn. Tôi thấy lòng lâng lâng sung sướng vì không khí yên bình của thành phố biển, mà cũng vì tưởng mình đã được trở về với những "hang động tuổi thơ" của ông Nguyễn Xuân Hoàng. Nào ngờ, khi còn mải mê với mộng mị, tôi bị đánh thức lúc nửa đêm cùng đơn vị leo lên một đoàn xe mấy chục chiếc để tiếp tục "hát khúc quân hành". Đoàn xe ra khỏi thành phố, qua Ty Thông Tin, ra quốc lộ 1, trực chỉ hướng bắc. Tôi lại mừng thầm, nghĩ là sẽ được về dưỡng quân ở huấn khu Dục Mỹ. Nhưng tôi đã "ước tính tình hình" sai bét. Đoàn xe dừng lại tại bùng binh, ngã ba Ninh Hòa. Một tiểu đoàn lính đổ xuống cái thị trấn còn đang say ngủ. Đại đội tôi nhận lệnh vào đóng quân trong sân vận động. Sáng hôm sau tôi rủ mấy thằng bạn, quần áo chỉnh tề, ra phía trước "thăm dân cho biết sự tình".
Thấy một ngôi nhà mở cửa, bọn tôi bước vào làm quen. Chủ nhà là một cô gái nho nhỏ dễ thương, mời đón mấy thằng lính trời ơi đất hởi mà miệng vui cười, e thẹn nhìn tôi bằng cặp mắt nai tơ. Vậy mà thằng lính ngang tàng như tôi lại chết trong đôi mắt ấy. Bắt đầu từ một chuyện tình cờ như vậy đó, mà tôi trở thành chú rể của Ninh Hòa hơn một năm sau. Trường Trần Bình Trọng cũng vừa có một cô học trò bỏ trường, bỏ lớp, bỏ bạn bè và bỏ cả đội múa "Trăng Mường Luông ".
Bây giờ cứ mỗi lần đọc bài thơ của ông nhà thơ Quan Dương, người Ninh Hòa, là tôi nhìn thấy có tôi trong đó :
Hồi nhỏ tôi rất anh hùng
Một mình dám nhảy cái đùng xuống sông
Bơi nghiêng, bơi ngửa giữa dòng
Hiên ngang trấn giữ một vùng tuổi thơ ....
Lớn lên trở chứng ngu khờ
Mắt em nào phải bến bờ sông sâu ?
Cớ sao chưa kịp lộn nhào
Đành chịu chết đuối, thiệt đau đúng là..
Nàng làm vợ lính đúng tám năm. Tám năm khốn khổ lo âu. Vì lúc nào cũng có thể trở thành góa phụ. Đã vậy đứng ở Ninh Hòa lúc nào nàng cũng nhìn thấy hòn núi Vọng Phu sừng sững cuối chân trời! Nhưng rồi nàng không trở thành góa phụ mà lại trở thành tù phụ. Cơn sóng bất ngờ phủ xuống miền Nam, cuốn nàng theo cùng những người có chung số phận. Thân phận bọt bèo với một đàn con dại, cô học trò Trần Bình Trọng bé nhỏ ngày nào bây giờ phải một mình chống chọi với phong ba.
Riêng tôi, một thằng lính bất ngờ thua trận thì chuyện tù đày nào có than chi. Chỉ tội nghiệp cho "người tình bé nhỏ" ngày xưa. Tôi tự trách mình, giá mà ngày đó tôi đừng ra khỏi cái sân vận động, không gặp nàng, thì biết đâu nàng chẳng tìm lại một cố nhân nào đó - mà tôi thường nghe nàng nhắc đến với lòng ngưỡng mộ - bây gìờ đã là một ông quan hải quân, sẽ đưa nàng xuống tàu ra khơi đi tìm vùng đất hứa.
Rồi nàng bỗng dưng trở thành con cò lặn lội bờ sông của ông Trần Tế Xương, để nuôi đủ sáu con với một chồng - ông chồng gần tám năm biền biệt ở các trại tù Lào Cai, Yên Bái.
Tôi còn nhớ lúc ở trong tù, tôi may mắn nằm bên cạnh nhà thơ lớn Tô Thùy Yên. Tôi rất quý anh vì anh là một người tù có tư cách. Thấy tôi dốt nát mà cũng thích thơ văn, anh làm tặng tôi một bài thơ khá dài và hay lắm. Nhưng lúc bị cai tù kiểm tra, tôi nhát gan nên bỏ cả bài thơ vào miệng nhai nát rồi nuốt vào cái dạ dày đang đói. Vì vậy tôi không còn nhớ hết mà chỉ thuộc lòng mấy câu viết về nàng:
Tám năm áo rách bao nhiêu lượt
Em vá chồng lên những nỗi niềm
Từ thuở anh đi nhà tróc nóc
Con thơ đâu còn biết vui cười .....
Cô gái Ninh Hòa, thương quá đỗi
Một mình chèo chống giữa phong ba
Ra khỏi trại tù, dường như tôi chỉ đem về cho nàng thêm những đắng cay. Với một người chồng còn mang đầy những vết thương cả trên thể xác lẫn tâm hồn, cùng một đàn con thơ dại, giữa một xã hội chất chồng thù hận, nàng biết xoay xở làm sao ? Cuối cùng, nàng phải cùng chồng con, đem sanh mạng đánh một canh bạc cuối cùng.
Có lẽ ông trời không phụ lòng nàng. Chuyến đi vội vã, chuẩn bị chưa xong, rồi cũng đến được bến bờ. Trong lúc bao nhiêu người tìm cách tận hưởng hạnh phúc của một điều tưởng chừng may mắn nhất của con người, hoặc ít ra cũng ngơi nghỉ để hoàn hồn từ cõi chết, nàng lại tiếp tục làm kiếp con cò trong một vùng băng tuyết mênh mông, lo lắng cho con, để cho chồng học thêm vài ba chữ và vác ngà voi chạy đủ thứ chuyện bao đồng.
Bây giờ những đứa con đã trưởng thành. Nàng chiều chồng để cho mỗi đứa tự chọn đất nước nào nó thích mà dung thân. Mỗi đứa một phương trời. Nàng lại là một hậu phương cho các con đi vào trận mới. Ngôi nhà trở nên trống vắng. Cuối cùng nàng cũng chì còn có tôi, người lính thất trận năm nào, đã mang đến cho nàng biết bao là hệ lụy. Dư âm cuồng nộ của những cơn dông bão năm nào dường như vẫn còn đâu đó trong giấc ngủ của riêng nàng.
Tuổi sắp già, mà tôi còn mang nhiều món nợ. Biết làm sao trả cho xong. Nợ núi sông, nợ máu xương bè bạn. Mà khổ thay, tôi thì cứ mãi là thằng lính hèn mọn, bạc tình. Và tôi
còn nợ nàng, nợ Ninh Hòa. Mảnh đất hiền hòa đã cho tôi một người vợ chung tình, cùng
tôi qua bao cuộc biển dâu.

Hoa Sen Vàng
Cứ hai ngày cô gái lại đến, mang theo một chục hoa Sen. Cô lặng lẽ quét dọn những cánh hoa rụng vương vải trên bàn thờ, dưới đất mà tôi chưa kịp dọn. Cô loay hoay súc bình rồi cắm hoa mới.
Có khi là những đoá hoa sen trắng muốt, có khi là chục hoa sen hồng. Sau này tôi mới biết những đoá hoa sen mà cô mang đến là loại sen được trồng từ các hồ ở Đại Nội, màu sắc và mùi hương rất nhẹ nhàng, khác với loại sen “Cao sản “, một giống sen mới, người ta trồng để lấy hạt nhiều hơn là chơi hoa, chúng trồng được dễ dàng và rộng khắp, có thể sống được ở các hồ gần bờ ruộng, bên cạnh những cây lúa. Hiện nay loài Sen này đang được trồng nhiều ở các vùng ngoại ô thành phố Huế, huyện Quảng Điền, Phong Điền. Màu trắng của loại sen này ngã về màu xanh của lá, còn màu hồng thì ngã về tím. Dáng, màu đều nặng nề. Hai loại hoa như hai cô gái, một ở kinh thành, quý phái và đài các, một ở nông thôn, khoẻ mạnh và chân chất. Cô lặng lẽ thắp hương và cũng lặng lẽ rút khỏi nhà tôi trước giờ vào sở làm. Buổi sáng chủ nhật, tôi mời cô nán lại uống trà, cô từ chối với lời hẹn.

- Dạ để hôm khác, hôm nay em đang bận. Cứ thế, cô đến và đi, tựa như người thiếu nữ trong Bích Câu kỳ ngộ, hiện ra từ bức tranh, rồi vội vàng chui vào bức tranh, khi đã nấu nướng và dọn sẵn một mâm cơm ngon lành.
Mẹ tôi mất đột ngột bởi một cơn nhồi máu cơ tim. Một bất ngờ, không chỉ đối với tôi, mà còn với rất nhiều người vì Mẹ tôi vẫn còn trẻ, khoẻ và đẹp. Gần 10 năm nay tôi không sống cạnh Mẹ. Vào học Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, ra trường, có cơ hội làm việc ở thành phố lớn, đó là một may mắn với tôi, là niềm vui với Mẹ. Mẹ tôi sống một mình, trong ngôi nhà cũ, Ba tôi mất từ khi tôi còn nhỏ. Đôi khi ở xa, tôi cũng ray rứt nhớ về Mẹ và niềm quạnh quẽ mà mẹ đang chịu đựng. Tôi cảm thấy không an lòng, nhưng mỗi khi tôi điện thoại, bày tỏ ý nghĩ này thì Mẹ bảo: “Con yên tâm, Mẹ vẫn khoẻ và vui, khi nào rảnh thì về thăm Mẹ, chỉ cần một tiếng đồng hồ bay, con có thể nhìn thấy Mẹ rồi”. Mẹ còn cười cười nói thêm: “chuyện nhỏ mà”… Vậy mà cái “chuyện nhỏ” với Mẹ, lại trở thành quá lớn đối với tôi. “Mẹ khoẻ và vui “Tôi biết Mẹ trấn an tôi, như tôi tự trấn an mình. Giờ đây, có bay cả ngàn giờ bay, tôi cũng không bao giờ còn gặp được Mẹ nữa. Tôi nghẹn ngào với ý nghĩ đó.
Cô gái xuất hiện vài ngày sau khi Mẹ tôi nằm trong lòng đất. Cô đến một mình, trong bộ đồ dài đen và chục hoa sen trắng trên tay. Mái tóc dài, nét mặt thanh tú. Trông cô giống những bức tranh “Thiếu nữ “của các hoạ sĩ thập niên 70. Cô đứng ở cổng, nhìn vào nhà, ngơ ngác như một đứa bé đang lạc mất người thân yêu giữa phố chợ đông người. Cô xin phép được cắm những đoá sen lên bàn thờ Mẹ tôi. Cô nói Mẹ tôi rất thích hoa sen, nhất là loại hoa sen thuần giống này. Cô nghĩ, nó cũng trong sáng và nhân hậu như tâm hồn Mẹ. Cô còn nói rằng Mẹ tôi cũng thường ao ước có được một giống sen màu vàng. Đó là sự kết hợp của hai thứ Mẹ tôi yêu thích, loại hoa và màu hoa. Có thể đó sẽ là những hoa sen tuyệt đẹp. Những lời của cô gái xoáy vào tim tôi, nhói đau. Lâu nay tôi quá ít quan tâm đến những gì Mẹ yêu thích, chẳng biết Mẹ đã làm những gì, cho ai. Tôi cứ nghĩ Mẹ tôi đang sống một cuộc sống thanh thản, bình thường như những người phụ nữ khác ở tuổi về hưu, nghỉ ngơi, đọc sách, đi mua sắm, thăm bạn bè, chăm sóc vườn tược. v v…Qua cô, tôi mới biết Mẹ tôi đã làm nhiều hơn thế. Mẹ đã thầm lặng giúp nhiều người khó nghèo từ những đồng tiền dành dụm của mình và quyên góp bạn bè. Cô cũng nói rằng Mẹ vừa mới khoe với cô là đã xoay sở đủ tiền để có thể mở một trung tâm dạy thêm cho các em học sinh khu vực X, quá xa nếu các em phải về thành phố để học và cũng không thể có đủ tiền để đi học thêm. Mẹ đã quan tâm nhiều người, nhiều thứ không liên quan đến bản thân mình. Còn tôi? Tôi cứ mãi quẩn quanh theo những vòng tròn bận bịu mà tôi gọi đó là “sự nghiệp”, không hề biết rằng có những thứ khác còn quan trọng và ý nghĩa hơn gấp nghìn lần. Tôi thật quá vô tâm.

Cô thắp hương cho Mẹ tôi và cho biết là cô vừa đi Trung Quốc về nên không đến dự đám tang của Mẹ tôi được. Buổi tối, trước khi đi, cô có ghé thăm Mẹ tôi và nghe bà nói bà hơi mệt tim. Cô đề nghị đưa bà đến bác sĩ nhưng bà cười bảo: “Không sao”. Cô hẹn là lúc đi công tác về sẽ đưa bà đến khoa tim mạch, nhờ một bác sĩ quen ở đó chụp kiểm tra động mạch vành cho Mẹ tôi, nhưng cô đã không kịp làm điều này và sẽ không bao giờ làm được nữa... Cô bật khóc nức nở. Những ngày sau đó, khi gom đồ đạc của Mẹ tôi, tôi ngồi vào bàn làm việc của Mẹ và mở chiếc máy vi tính. Đây là một đoạn thư tôi tìm thấy trong Inbox của Mẹ.
“Cô yêu quý!
Hôm qua con đọc được tập truyện “Cửa sổ tâm hồn”, trong đó có câu chuyện về hai cái biển hồ. Tự dưng con nghĩ đến cô. Con biết chắc là cô đã đọc truyện này rồi, nhưng con vẫn muốn cô đọc lại một chút cùng con. Hay là để con đọc cho cô nghe cô hí!
“Người ta bảo ở bên Palestine có hai biển hồ... Biển hồ thứ nhất gọi là Biển Chết. Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Không có một loại cá nào có thể sống nổi trong dòng nước đó, cũng không ai muốn sống gần đó. Nếu uống phải dòng nước này, người và cả súc vật nữa, sẽ mắc bệnh, và chết. Biển hồ thứ hai có tên là Galilée. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ này lúc nào cũng trong xanh mát rượi, dưới đó nhiều loài cá tung tăng bơi lội, tôm cua tha hồ vùng vẫy, nhiều loài san hô xinh đẹp, quyến rũ lung linh dưới mặt nước trong vắt. Dòng nước ngọt lành, mát rượi mang lại cho du khách một cảm giác thư thái, dịu ngọt khi uống vào. Trên bờ, nhà cửa được xây cất rất nhiều và rất tráng lệ. Vườn cây xung quanh thì nảy nở rất tốt tươi nhờ được nguồn nước này thấm vào đất”
(Cô ơi, trong đó có cả những đoá hoa Sen mà cô yêu thích, có cả đoá Sen vàng quý hiếm cô từng mơ ước được ươm mầm nữa đó. Hi! À, con cũng nói để cô mừng, con vừa đọc một tài liệu về Sen. Ở bên Mỹ có giống Sen Vàng đó cô. Họ gọi là yellow lotus, nhưng con không biết là có giống hoa súng vàng bên mình không, có đẹp và hương có thơm bằng hoa sen của mình không? Tài liệu còn nói rằng hạt sen còn nguyên vỏ rất khó hư và có độ nẩy mầm rất cao. Họ đã thí nghiệm lấy một hạt sen còn nguyên vỏ được tìm ở Ai Cập, trong Kim Tự tháp, xây hơn hai ngàn năm qua, nay đem ra ương, vẫn mọc… Khi mô có ai ở bên Mỹ về, con sẽ xin vài hạt sen vàng, Cô cháu mình trồng thử, Cô hí! Con tin là loài hoa này sẽ nhanh chóng nảy mầm trong chiếc bể cạn nhỏ nhỏ của Cô và sẽ cho ra nhũng đoá Sen vàng tuyệt đẹp... Con tiếp tục câu chuyện về hai cái Biển hồ Cô nhé!)

“… Điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đếu được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người. Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan toả. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lời. Đôi môi hé mở mới thu nhận nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ cho riêng mình. Sự sống trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết.”
Cô ơi, Con đọc và tự nghĩ có phải tấm lòng của Cô cũng như cái biển hồ thứ hai kia không?Chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ... Cô luôn chia sẻ những gì mình có, một sức sống tràn trề, một lòng nhiệt huyết trong công việc, sự cảm thông và niềm yêu thương, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Những lời động viên, an ủi hay những lời khuyên bảo của Cô đã mang lại cho những người sống gần gủi cô và nhất là cho con, một cô bé mà mọi cánh cửa mở vào cuộc đời tưởng đã khép lại, một niềm tự tin, một cái nhìn lạc quan hơn Cô luôn nói: “Cuộc sống có rất nhiều thử thách và khó khăn. Để vượt qua điều này, đôi khi cũng cần đến trợ lực của người thân, bạn bè. Sự chia sẻ từ họ sẽ là một sức mạnh vô hình kéo ta lên, khiến ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn để chấp nhận nghịch cảnh”. Và “Khi chúng ta cho điều gì, chúng ta sẽ nhận được điều đó. Nếu yêu thương người thì người cũng yêu thương ta”.
Cô yêu quý ơi, Con biết rồi, có phải món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta là biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương nhau hơn. Sống như cái Biển Chết thì thực là vô nghĩa. Chẳng cho ai, chẳng chia sẻ với ai cái gì hay điều gì. Sống như biển hồ Galilê mới đích thực là cuộc sống. Phải vậy không Cô?”…

Đó là bức thư của cô gái thường mang hoa sen đến cho Mẹ tôi. Và tôi hiểu ra tại sao trong đám tang của Mẹ tôi, có những người không thân thích, cũng không phải là bạn bè, đã nhỏ những giọt nước mắt chân thành thương tiếc. Và tôi hiểu ra tại sao có một cô gái xa lạ vẫn thường mang đến cho Mẹ những đoá hoa mà Mẹ hằng yêu thích, vẫn nhớ về những gì Mẹ đã làm, đã nói.. 
 Còn tôi, là người gần gũi với Mẹ nhất, là khúc ruột của Mẹ, vậy mà tôi chẳng hề biết, hiểu gì về Mẹ cả. Tôi đã nhận quá nhiều ở Mẹ mà lại quá ít san sẻ cùng Mẹ. Tôi đã sở hữu một tài sản giá trị mà không tự biết để nâng niu, quý trọng và giữ gìn.
Mẹ ơi, thì ra con cũng chỉ là một cái Biển Chết, dù đã được nhận nguồn nước mát rượi từ tâm hồn Mẹ tràn sang.
 
Thanh Nhã


Nói Với Các Con  LÊ DINH 




Tôi muốn viết những giòng này để giải thích cho con cháu, không biết ông bà cha mẹ mình thuở xưa, tại sao lại đắt díu nhau qua đây, nơi cái xứ lạnh này để sinh sống?
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi nghĩ, thôi rồi, đã không còn gì nữa rồi. Mất nước là mất tất cả. Nhưng, trước cảnh thiên hạ ùn ùn rời khỏi thành phố - đúng là "chạy như chạy giặc", nhưng oái oăm thay, giặc đây cũng là người VN - tôi vẫn thụ động, nằm im đọc báo. Tại sao ta lại phải chạy trốn? Rồi tôi lại nghĩ thêm. Nếu họ vô thì họ cũng là người VN, trong khi mình chỉ là một công chức quèn, thì có gì đâu mà phải sợ. Rồi họ cũng phải cho guồng máy chính phủ hoạt động trở lại, ai ở đâu làm việc ở đó... cho đến ngày nào mà họ thấy đã đến lúc phải rà soát lại bộ máy chính quyền cũ thì họ bắt từ người cao cấp nhất còn lại cho đến những ai có "nợ máu với nhân dân" (theo tiếng của họ) đem ra tòa án xử tội. Hà cớ gì phải chạy trốn, mà chạy đi đâu, không quen lớn với ai, không có phương tiện, làm sao đây? Thôi đành ở lại xem sao, dù sao họ cũng là máu đỏ da vàng như mình.
Vài hôm sau, tôi đang nằm đọc "Huyền Bí" thì có một em nhỏ ở xóm phía sau nhà tôi (ở đường Ngô Tùng Châu, Gia Định), cầm cuốn vở học trò và cây viết chì đến ghi số gà tôi nuôi để lấy trứng, coi còn được bao nhiêu con. Rồi vài ngày sau nữa, em này trở lại, lui cui đếm gà và hỏi tôi tại sao thiếu mất một con gà mái. Tôi bảo nó đã chết toi rồi. Em nhỏ nói nó chết đâu đưa cho coi. Tôi trả lời rằng đã bỏ vào bao nhựa quăng vào xe rác rồi. Sự việc này làm tôi liên tưởng đến những lời đồn đãi rằng, sống dưới chế độ CS, không dám ăn thịt một con gà của mình nuôi, muốn ăn thịt gà, phải phi tang tất cả lông và xương gà, vì vậy ăn thịt gà cũng phải ăn lén lút ban hôm ban đêm, kẻo hàng xóm biết được mình ăn thịt gà, họ đi tố cáo với phường khóm thì rắc rối. Những lời đồn đãi này cho đến hôm nay tôi mới biết không phải là lời đồn nữa mà là sự thật. Trước đây, vì là người Nam, tôi cứ tưởng đó là những lời tuyên truyền để tố Cộng vậy thôi, chứ đâu đến đổi như vậy.
Tôi cố gắng hòa mình chung sống với những con người mới trong xóm, trong tổ, trong khóm, trong phường, từ việc mỗi tuần đi họp hai lần, ngồi bẹp xuống sàn đình để nghe chú Tư hốt rác và chị Năm bán cá ở trong xóm phía sau cư xá Thanh Bình giải thích về đường lối của cách mạng, để nghe những bài dạy đời về cách xử thế của người dân dưới chế độ mới đến việc thi thoảng hân hạnh được nghe các cán bộ cao cấp xuống nói về tình hình chính trị quốc tế như nước "Một Răng" và nước "Một Rắc" (Chữ Iran và chữ Irak mà họ đọc là Một Răng và Một Rắc - vì họ lầm lẫn giữa chữ "I" viết hoa và số Một La Mã) là nước anh em bầu bạn của chúng ta v.v... Rồi còn suốt ngày phải nghe nheo nhéo bên tai, qua chiếc loa được giăng trên cột đèn trước nhà, giọng nói khó chịu của cô xướng ngôn người miền Bắc, nghe những bản nhạc "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng", "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng"... ra rả suốt ngày, từ sáng sớm đến giữa đêm khuya. Rồi những vụ đổi tiền - thực ra chỉ là những vụ ăn cướp trắng trợn của nhà nước - gọi là đổi nhưng họ chỉ đưa cho mình một phần nhỏ, còn phần lớn họ giữ lại. Khi nào có việc cần thiết, như ma chay, cưới hỏi, phải làm đơn có lý do chính đáng mới được nhận lại một số ít tiền của chính mình, tùy theo nhu cầu. Rồi nào là vụ tịch thu và có thể bị đi tù những ai còn giữ những sách báo, băng nhạc, tập nhạc mà họ gọi là văn hóa đồi trụy, báo hại chúng tôi phải thức suốt đêm để đốt hết biết bao là sách vở, bản nhạc in thành tập, được tưng tiu gìn giữ từ hơn 20 năm qua. Rồi lại nạn đổi tiền thêm lần nữa, đi làm thủy lợi, nghĩa vụ quân sự...
Tính ra, chúng tôi đã sống cho qua ngày tháng với CS được 3 năm.
Trong 3 năm đó, gia đình tôi làm gì để sinh sống? Tôi và đứa con gái đầu lòng đi dạy, kèm trẻ tư gia, con ông cháu cha, con cái của cán bộ cao cấp, cha kèm Pháp văn, con dạy dương cầm, vợ thì làm "hãng kỹ nghệ" sản xuất bịt ni long nước ngọt đông lạnh, mỗi ngày sản xuất... vài chục bịt, để bán cho mấy đứa con nít trong xóm.
Ba năm trôi qua. Một dịp may đưa đến, có một bà bạn cho biết bà có quen với một ông nọ, nguyên là hiệu trưởng một trường Trung học tư thục ở miền Tây, chán ghét chệ độ mới, tự ông đóng tàu để vượt biên. Còn thiếu chút đỉnh, ông muốn có người quen, chỗ đáng tin cậy hùn vốn để hoàn tất chiếc tàu. Quá đổi vui mừng, chúng tôi bán đổ bán tháo tất cả những gì còn lại trong nhà, bao nhiêu tư trang của bà xã cũng đem bán hết để có đủ 15 cây vàng nạp cho ông chủ tàu. Nào ngờ đây là một vố lường gạt của CS. Chúng nó đưa ra một tên cao ráo, đẹp trai, không có dáng dấp của bọn dép râu rừng rú, mạo nhận là hiệu trưởng để dễ lường gạt những người mù mờ, khờ khạo như vợ chồng chúng tôi. Khi vào nhà tù Phan Đăng Lưu, hỏi ra mới biết có nhiều người, phần đông là người Việt gốc Hoa, cũng bị lừa để lấy vàng như trường hợp gia đình tôi. Tả hình dáng ông "hiệu trưởng miền Tây" này thì đúng như boong. Thật ra người đó là tên Ba Sơn, cán bộ của sở Công an thành phố, mà những người vượt biên bị bắt, ai ai cũng biết. Ở tù 4 tháng ra, chúng tôi mặc dù không còn một xu dính túi, cũng tìm cách vượt biên nữa, vì không có cách nào sống chung với CS được. Giờ đây, khi ngồi viết lại những giòng tâm sự này, tôi nghĩ, thà không may chết hết cả gia đình ở dưới lòng biển thì thôi, chứ nếu mà còn ở với CS thì chắc giờ này, mồ mả hai vợ chồng tôi đã phủ rêu xanh,thằng con trai bây giờ chắc xác của nó được vùi lấp đâu đó ở bên Campuchia, còn 2 đứa con gái thì một đứa bán ở chợ trời, đứa nhỏ có lẽ cũng lưu lạc đâu đó bên Đài Loan hay Đại Hàn.
Nhưng trời còn thương gia đình chúng tôi. Sau nhiều ngày tháng đạp xe ra công viên Con Rùa ở đường Duy Tân để thu lượm tin tức cùng với nhiều anh em khác, tôi may mắn được tháp tùng một chiếc ghe đánh cá của một ông chủ ghe có tấm lòng nhân đạo bao la, cùng với tất cả gia đình gồm 5 người, vượt biên mà không tốn tiền. Tôi nghĩ, thôi bây giờ phó thác tính mệnh của 5 người cho trời đất. Chết thì chết một lượt còn nếu sống thì với 10 cánh tay của 5 người, không thể nào chết đói được trong một xứ sở tự do nào đó mà chúng tôi chưa biết. Rồi tôi lại nghĩ, trời đất mênh mông, thế giới bao la, qua đó - một nơi xa xôi nào đó mà mình không biết - chắc gia đình mình sống một mình thôi, không có ai là người Việt như mình, không có đồng bào đồng hương của mình mà chỉ có người bản xứ. Như vậy, tuy buồn thì buồn thật nhưng không rắc rối, yên ổn và an tâm hơn. Nhưng nào ngờ, sau 29 năm lấy nơi này làm chỗ dung thân, cũng chẳng được yên thân, nếu mình có một tâm hồn, một tấm lòng của một con người biết suy nghĩ, biết phân giải điều hay, điều quấy. Vì sao mình liều chết để đi tị nạn, liều chết để đến đây? Có phải vì bọn CS không? Thế mà chúng cũng không để cho mình yên. Nhắc lại thời 1954-1975 cũng vậy. Đã phân chia ra 2 miền Nam Bắc, anh là CS, anh có phần đất miền Bắc của anh, anh lo chăm sóc dân anh, làm cho nước Xã hội chủ nghĩa phía Bắc của anh hùng cường lên, giàu mạnh lên, còn phần đất miền Nam của chúng tôi, để chúng tôi lo. Nhưng rồi miền Nam nào có được yên đâu? Chúng gian manh, dùng sức mạnh chiếm đoạt luôn miền Nam mầu mỡ để rồi cho đến ngày nay đưa cả nước xuống hố thẳm của sự nghèo đói, trai đem thân đi làm thuê làm mướn xứ người, gái đi làm dâu thiên hạ ở các xứ lân bang, còn riêng đảng cầm quyền thì tha hồ cướp của dân lành để làm của riêng, đè đầu người dân thấp cổ bé miệng xuống tận cùng của chín tầng địa ngục. Nhưng rồi cũng chẳng yên nữa. Chúng còn đưa cánh tay dài lông lá của chúng vươn ra khắp các nước có người tị nạn để tóm thâu thêm tiền bạc. Mình chạy, chúng rượt theo, mình chạy nữa, chúng rượt theo nữa. Ba nghĩ nay mai đây, khi ba mẹ nhắm mắt và xuống âm phủ, cũng vẫn còn phải chạy trốn CS nữa.
Như ba đã tâm sự ở trên, ba tưởng đâu rằng đến một xứ sở xa xôi như Canada này, gia đình mình chỉ sống có một mình ở một thị trấn hẻo lánh nào đó. Ngày ngày, ba mẹ ra đồng cuốc đất trồng rau, trồng cây ăn trái, trồng nho trồng bắp, sống yên ổn, bình dị cho hết kiếp người tị nạn. Có làm thì có ăn. Còn các con, các cháu thì lớn lên có công ăn việc làm xứng đáng, hít thở không khí tự do, tương lai tươi sáng trước mặt. Nhưng cuộc đời không đơn giản như mình nghĩ. Tuy rằng chúng ta có đầy đủ các thứ vật chất linh tinh, nhà xe mọi thứ, cơm nước, bánh mì, bơ sữa dư thừa, nhưng về phía trong tận cùng tâm hồn, các người lớn tuổi như ba mẹ, luôn luôn khắc khoải. Nhìn xem, đồng bào mình, trong đó có thân nhân của gia đình mình, các chú các cô bên nội. các dì các dượng bên ngoại, cùng với con cái, anh chị em chú bác, cô cậu của các con, còn phải sống cuộc đời điêu đứng, bị đè nén, áp bức dưới chế độ dã man của bạo quyền CS.Đồng bào mình sống lao đao kiếp người như kiếp cầm thú ở bên nhà, trong khi nhà cầm quyền thì ăn trên ngồi trước, thua cá độ cả triệu dollars, tham nhũng cả bạc tỉ dollars.
Chuyện của ba bây giờ không phải là chuyện nhà chuyện cửa, chuyện công ăn việc làm nữa bởi vì ba mẹ đã hưu trí rồi, còn các con đã khôn lớn hết rồi, có công ăn việc làm đầy đủ, các cháu đã vào trường, tương lai sáng lạn trước mắt. Nỗi khắc khoải ưu tư của ba là chuyện bất công ở trong nước, chuyện chính quyền đàn áp người dân ở trong nước. Ngày các con ra đi, đứa lớn nhất được 20 tuổi và đứa nhỏ nhất chỉ mới 13, các con chưa có sự hiểu biết nhiều về Cộng sản và chính ba đây, ngày vượt biên, dù đã 44 tuổi đời, ba cũng chưa thấu hiểu mấy về Cộng sản. Bây giờ, nếu ai hỏi ba Cộng sản là gì, ba trả lời rằng Cộng sản là đem tất cả những sự gian dối, gian manh, lừa đảo, tàn ác... trên trái đất này cộng lại, đó là Cộng sản. Không phải ba nói để mà nói, nhưng đó là sự thật. Trong phạm vi bài viết ngắn này ba không thể giải thích hết về bài toán cộng ở trên (Gian dối + gian manh + lừa đảo + tàn ác = Cộng sản) để các con hiểu, nhưng từ từ, sống trên mảnh đất tự do này, các con sẽ hiểu thế nào là Cộng sản.
Vậy, các con có biết tại sao gia đình mình phải trôi giạt từ phía bên kia địa cầu đến tận phía bên này địa cầu, bỏ làng mạc, quê hương, bỏ quê cha đất tổ, mồ mả ông bà, bỏ thân nhân ruột thịt để sống trên vùng đất xa lạ này không? Bởi ai vậy? Tại ai vậy? Nếu có câu trả lời rồi thì ba mong các con đừng bao giờ quên lý do tại sao chúng ta ở đây, và nuôi mãi trong lòng ý chí sắt đá của một người tị nạn chân chính, dù các con sống trên sự giàu sang phú quí sau này. Một lời khuyên ba gửi đến các con là các con đừng bao giờ quên mình là người tị nạn Cộng sản.
Các con yêu mến,
Ngày hôm nay 8 tháng 9, ngày sinh nhật của ba. 73 tuổi đời, theo ba cũng là đã "thọ" lắm rồi.
Một phần đời trước đây của ba - kéo dài 20 năm - ba đã sống trong một chế độ biết tôn trọng nhân vị, coi hai chữ "tự do" là quý giá, có phép làng luật nước, có an ninh luật pháp, tuy rằng "nhân vô thập toàn" làm sao tránh khỏi những trường hợp cá biệt của một số người trong chính quyền làm buồn lòng dân. Nhưng nếu đem so sánh với chế độ hiện tại ở trong nước, một chế độ mà gia đình mình đã may mắn thoát khỏi, thì là một trời một vực.
Chế độ cai trị ngày nay là một tập đoàn, không phải là những người cùng chung một giòng máu Việt của mình, họ chiến đấu để xua đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, nhưng họ hại dân còn hơn thực dân, họ hô hào "không gì quý hơn độc lập tự do", nhưng ai nói đến hai chữ "tự do" là vào tù. Có ai đời nào mà bè lũ cầm quyền lại đi chiếm đất của dân để làm của riêng, từ trên xuống dưới, lớn tham nhũng theo lớn, nhỏ tham nhũng theo nhỏ. Có chính quyền nào lại đưa đàn ông ra nước ngoài để làm lao công, làm thuê, làm mướn; có chính quyền nào bán phụ nữ ra nưóc ngoài để làm nô tỳ, làm đỉ điếm chưa? Có chính quyền nào lại cắt đất cắt biển dâng cho nước láng giềng để nước này bảo vệ cho họ được tồn tại, được mãi mãi cai trị và tiếp tục tham nhũng? Vì vậy, gần 30 năm sống ở xứ tự do mà ba cũng không thấy vui. Chỉ vui được một phần khi nhìn thấy các con các cháu có tương lai sáng sủa, sống ra kiếp sống của con người, có tự do, nhân quyền, có luật pháp bảo vệ. Điều không vui của ba là dù sống trong sự no cơm ấm áo, nhà cửa yên vui, ba vẫn nhớ đến một quê nhà khốn khó, đói nghèo vì một đảng cầm quyền vô lương, một lũ "buôn dân bán nước" như người ta nói.
Dù cho ba có nhắm mắt bây giờ, ba cũng không ân hận gì cả, ba chỉ buồn là không được nhìn thấy một nước Việt Nam tự do, phú cường như các lân bang, một nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, có tự do thật sự như các nước tiên tiến. Nhưng nếu mà ba có chết trong khi Cộng sản vẫn còn chễm chệ trên ngôi báu của họ, bằng linh hồn, ba sẽ về VN - vì như các con biết, từ 29 năm qua, ba chưa hề nghĩ đến việc đi VN - bằng linh hồn, ba về để viếng thăm mồ mả ông bà nội, ông bà ngoại, thăm lại nơi chôn nhau cắt rún của ba là làng Vĩnh Hựu êm đềm khi chưa có bóng CS, thăm những người thân thuộc, bà con hàng xóm láng giềng ngày xưa... Sống triền miên trong sự khắc khoải, thà chết cho được yên thân, vì hỏi ai không có một lần chết, đó là điều ba mong ước.
Ba các con


THÂN TÂM AN LẠC 
   Con người ta sinh ra, ai thoát khỏi: sinh, lão, bệnh, tử? Theo thuyết của nhà Phật, thì đó là 4 giai đoạn của cuộc đời mà người nào cũng phải trải qua. Sinh, Trụ, Hoại, Diệt là định luật của tạo hóa, không có cách chi thay đổi được. Cây cối đâm chồi nảy lộc vào muà xuân, xanh tốt xum xuê trong mùa hè, lá héo vàng vào mùa thu, đến mùa đông thì lá vàng rơi rụng, chỉ còn trơ trụi cành cây. Rồi tới mùa xuân năm sau, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cái chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ.
   Đời người là bể trầm luân, cõi thế gian đầy những ưu tư phiền não. Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô thường.. Vừa mới sinh ra cất tiếng khóc oa oa chào đời. Rồi lớn lên, bước vào đời với bao nhiều mộng đẹp. Thoắt một cái, mái tóc đã điểm sương, mắt đã mờ, lưng đã mỏi, 2 chân đã chậm chạp. Rồi cuối cùng, là hai tay buông xuôi, đi vào lòng đất, bỏ lại trên thế gian tất cả các thứ mà cả đời phải bôn ba vất vả mới làm ra được..
  Đời người như giấc mộng. Người ngoại quốc cũng có câu: Life is too short. (cuộc đời quá ngắn) Thế mà, con người ta khi còn sức khỏe thì mải mê kiếm tiền, lo củng cố địa vị, danh vọng, không có thì giờ để hưởng đời đúng nghĩa. Cũng ít ai sửa soạn tâm tư để đón nhận những cái vô thường của tuổi gìa,. Đến khi mái tóc đã điểm sương, da đã nhăn, mắt đã mờ, chân đã chậm thì mới giật mình, rồi buồn phiến, thất vọng, nuối tiếc. Khi đó, bao nhiêu tiền của cũng trở thành vô dụng. Ăn uống thì phải kiêng thứ này, cữ thứ kia vì đường lên cao, cholesterol lên cao. Ăn đồ cứng không được vì hàm răng cái rụng, cái lung lay. Đi chơi xa thì không dám vì sức khỏe kém, đầu gối đau nhức. Nghe nhạc, xem phim cũng không được vì tai đã nghễng
ngãng, mắt đã kèm nhèm.
  Người VN mình vốn cần kiệm, chăm làm, chắt bóp để có của ăn của để. Làm việc thì liên miên quên cả cuối tuần, bất kể ngày lễ hay ngày Tết. Làm thì nhiều, mà ít dám vui chơi huởng thụ như người Âu Mỹ..Suốt đời cặm cụi, ăn nhịn để dành, mua cái nhà cái cửa để một mai khi chết thì đẻ lại cho con cháu. Sống như vậy quả là thiệt thòi. Người xưa đã nói:
 Một năm được mấy tháng xuân
 Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa
Và:
 Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
 Bo bo giữ lấy của trời làm chi
 Bẩy mươi chống gậy ra đi
 Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi
    Con người có tham vọng, có nhu cầu nên mới bon chen. Suốt đời cứ miệt mài lo tìm kiếm những thứ vô thường mà quên mất chữ “nhàn”. Những thứ vô thường này là nguyên nhân đưa đến lo âu, căng thẳng, mất ăn, mất ngủ. Và nếu kéo dài có thể đưa đến bệnh tâm thần:
 Ông Cả ngồi trên sập vàng
 Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo
 Ông bếp ngồi cạnh đống tro
 Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm
Hoặc là:
 Đời người sống mấy gang tay
 Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm
Hoặc là
 Ăn con cáy, đêm ngáy o..o
 Còn hơn ăn con bò, mà lo mất ngủ.
   Người xưa tuổi thọ kém, ngay tới vua chúa cũng chỉ sống tới khỏang 50 tuổi. Tới 60 tuổi đã ăn mừng “lục tuần thượng thọ. Còn tới 70 tuổi, thì thực là hiếm hoi. Bởi vậy mới có câu: “nhân sinh thất thập cổ lai hy (tức là, người ta có mấy ai mà sống được tới 70).
  Ngày nay nhờ khoa học tiến bộ. Con người được sống trong điều kiện vật chất vệ sinh, và thoải mái hơn. Những phát minh của ngành Y, Dươc đã giúp nhân loại vượt qua được các bệnh hiểm nghèo, mà người xưa kêu là bệnh nan y như bệnh lao, bệnh phong cùi, bệnh suyễn. Ngày nay người ta sống tới 80, 90 tuổi không phải là ít. Tuy nhiên sống lâu chưa phải là hạnh phúc. Hạnh phúc là luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời, biết tận hưởng cuộc sống. Muốn vậy thì cần phải giữ cho thân tâm được an lac.
  Tâm thân an lạc là biết vui với những cái trong tầm tay của mình, chấp nhận những điều mình không thể nào tránh khỏi. Sống hòa hợp vui vẻ với mọi người xung quanh, không chấp nhất, tỵ hiềm. Lớn tuổi thì không làm ra tiền, nhưng cũng may, ở những nước tân tiến đều có khoản tiền trợ cấp cho người gìa để có thể tự lực mà không cần nhờ cậy vào con cháu. Các cụ gìa nên mừng vì sang được xứ này, thay vì ấm ức với số tiền quá khiêm nhượng, không thể tiêu pha rộng rãi như bạn bè. Gìa thì phải chịu đau nhức, mắt mờ, chân chậm, đừng nên than thân trách phận, cau có, gắt gỏng, đã không làm được gì hơn mà còn tạo sự áy náy, thương cảm cho những người xung quanh.
  Ở đời mỗi người một cảnh, vui với cảnh của mình, không suy bì, thèm muốn, ganh ghét với những người xung quanh. Biết đủ thì đủ (Tri túc, tiện túc). Người ta bảo trên 60 tuổi, mỗi ngày sống là một phần thưởng cho thêm (bonus) của thượng đế. Vậy thì hãy nên vui vẻ, tận hưởng những ân sủng mà không phải ai cũng có được.
  Đời sống của mình vui tươi hay buồn thảm là tùy thuộc vào thái độ của mình đối với cuộc sống


   Cánh Cò Quê Mẹ


       Lâu lắm, tôi mới có dịp về thăm quê mẹ.  Ngôi  làng nghèo bé nhỏ nằm heo hút giữa biển đông, sông Vệ và núi Phụng, vẫn ở đó và không hề thay đổi dù năm, tháng đã đi qua. Vẫn con đường làng đất đỏ sâu hun hút giữa những rặng tre mồ côi xanh ngắt. Vẫn cánh đồng lúa ngày lên đòng, lá dày như những thanh kiếm nhỏ lưỡi nhọn vút lên trời. Vẫn hàng cau liên phòng tán nhỏ và đều, thân tăm tắp đợi bầy chim sẽ về làm tổ trong tiết xuân phân.
   Dường như ở quê mẹ, những đám mây trời cũng khác, mây trắng đuôi chồn, vảy cá chuồn cá nục kéo dày từng lớp như một cánh đồng trên nền trời xanh vời vợi. Và gió, chưa bao giờ trong đời tôi lại thấy gió nhiều đến như vậy. Gió lớn thổi thao thiết qua dòng sông, bầu trời và cánh đồng lúa, mang theo mùi hương của cỏ nội ngày nở hoa dọc suốt những con đường nhỏ. Một buổi sáng thanh thản ở quê mẹ, tôi ra ngồi trước hiên nhà. Nắng ban mai trổ lên màu xanh khu vườn xưa một màu hồng tươi rực rỡ. Từ hiên nhà, có thể tha hồ ngắm từng đàn cò trắng đi ăn sớm. Ôi những cánh cò đẹp một vẻ đẹp chơn chất đồng quê. Chưa năm nào cò về đồng nhiều như vậy, đậu trắng phau những chân ruộng xanh non. Màu trắng - xanh tạo ra một vẻ bình yên chỉ có ở đồng quê. Buổi sáng bầy cò lượt kéo nhau đi ăn. Chiều xuống lại lượt kéo nhau về chốn cũ. Chỗ trú ẩn của đàn cò là gò bãi nổi giữa dòng sông. Hình ảnh đàn cò hạ độ cao, bay là đà trên mặt nước khi chiều xuống đẹp một cách kỳ lạ. Tôi đứng chôn chân bên dòng sông ngắm mê mải những dáng bay dịu dàng cho đến khi những cánh cò thấp dần và khuất sau cồn cát xanh xanh loài hoa muống biển.
   Có gì trong cuộc đời cò mà làm thao thức tâm hồn tôi đến vậy.
   Ðã từ lâu lắm trong tuổi thơ tôi, cánh cò là một phần nhưng là cái phần đau đớn nhớ thương của quê hương. Cành cò bay lả bay la gợi lên những câu chuyện cổ tích sặc sỡ sắc màu, cánh cò chiều đông bay bạt gió gợi lên hình ảnh mẹ lặn lội giữa đồng sâu. Mối liên tưởng cánh cò - dáng mẹ là nỗi ám ảnh suốt đời những ai đã từng có một tuổi thơ nghèo khó ruộng đồng. Xa khuất sau cánh cò - dáng mẹ là thầm lặng một nỗi biết ơn trời bể. Từ chín tháng mười ngày, mẹ đã sinh con, đã có lúc khổ nhục nuôi nấng con nên người. Máu, mồ hôi và nước mắt của mẹ là những bài học lớn, là gia tài cho con mang theo trong suốt cuộc làm người. Trong dáng cò, mẹ hiển hiện là biển xanh đồng rộng, mẹ là ánh bình minh ngày mới, là dòng sông, bầu trời và những hạt sương mai. Mẹ là ngọn gió nồm mát rượi ngày nắng quái, là bếp lửa rơm ấm nồng ngày đông giá giêng hai. Mẹ là con đường đưa con đến lớp buổi học đầu tiên sống để làm người. Mẹ là hương hoa hồng dại lẩn khuất thơm tho suốt một tuổi thơ con. Mẹ là bầu trời đêm mùa hạ đầy sao, những ngôi sao to sáng ngời vĩnh cửu. Mẹ là mặt đất rộng lớn cưu mang vàn vạn sự sống của chim muông, hoa lá và cỏ cây. Mẹ là Mẹ, cánh cò xưa buồn vui suốt đời dịu dàng, nhẫn nại, che chở đời con từ ấy vuông tròn...
   Có những năm tháng tôi đi học xa, cánh cò quê mẹ vẫn cứ bay hoài trong những giấc mơ về sáng. Trong mơ, tôi thấy tôi là con cò bé nhỏ bay theo mẹ tìm mồi. Tôi bay qua những ngọn núi cao, những dòng sông rộng, và cả biển lớn. Ở trên cao, mặt đất chợt như nhỏ lại, cánh đồng lúa thành một ô bàn cờ, và những thằng bù nhìn rơm chỉ còn bé như một chú búp bê gỗ, làm bằng rơm thô và áo cũ. Và cứ thế, tôi bay trong nỗi biết ơn vô hạn cuộc đời. 
   Và, suốt những ngày về quê mẹ, tôi thành tôi ngày xưa trẻ dại, tôi thành tôi vô tư như ngọn nắng bên thềm, ngắm cánh cò bay mà lòng yêu thương quá đỗi cuộc đời này.
Nguyễn Xuân Hoàng
  
                                            Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời
       Trong cõi trần, có những loài cây nở hoa đẹp và buồn như những huyền thọai, như những triết nhân. Người ta khó vui được khi nhìn thấy một giàn hoa ty-gôn đỏ như màu máu vẳng về những câu thơ của TTKH. Nhìn hoa sen, lòng người chợt nhận ra lẽ vô thường thanh sạch của kiếp người. Ai đã từng có một đêm thức với hoa quỳnh, hẳn khó cầm được tấc lòng trước hình ảnh cái đẹp quá đỗi mong manh, mau chóng tàn phai. Người xưa một lần qua núi, thấy hoa lau nở trắng bạt ngàn, đã thảng thốt buông một câu hỏi buồn trong gió: Sao vừa nở ra đã vội bạc đầu thế hở lau ơi?...
Và có một lòai cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp khúc một giai điệu tráng ca. Loài đó là TRE.
 Tôi nghĩ đã là người Việt Nam, dù ở đâu và làm gì, ai cũng mang trong mình một bóng tre của quê hương, xứ sở. Sau lũy tre làng, đó là nơi hội ngộ buồn vui của cả một cộng đồng người, của hàng bao thế hệ. Không biết tự bao giờ, tre đã tham dự vào cuộc sống con người như một thành tố không thể thiếu được. Chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa đã có cây tre trăm đốt. Và dẫu bây giờ nông thôn đã công nghiệp hóa, tre vẫn không thể thiếu được đối với người. Đó là cái đòn gánh có thể đàn hồi làm nhẹ vai cô thôn nữ gánh nước từ bến sông, gánh hàng ra chợ. Đó là mười sáu vành nón lá của mẹ tảo tần qua nắng qua mưa nuôi ta khôn lớn, của em dấu nụ cười e ấp mối tình đầu. Đó là giàn bí, giàn bầu nặng lòng câu ca” bầu ơi thương lấy bí cùng” mà cha ngồi hóng mát mỗi chiều. Đó là sợi lạc buộc chiếc bánh chưng xanh luôn gợi nhắc truyền thuyết Lang Liêu...Tre thủy chung một mối tình vĩnh cửu với người dân Việt.
   Tre lặng lẽ hiến dâng cho đời và hy sinh tất cả. Trong hành trình dâng hiến của mình, tre dâng tặng con người âm thanh từ máu thịt của nó. Tre tạo nên tiếng sáo Trương Chi làm điêu đứng người con gái cành vàng lá ngọc. Tre tạo nên cây đàn bầu khiến cả thế giới phải nghiêng mình trước ngón độc huyền của một dân tộc, mà dân tộc ấy lại đa tình làm sao: Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu! Trên non ngàn Tây Nguyên, hồn tre nứa nhập vào đàn t’rưng, nhập vào đàn klông put, đàn chim đing, đàn đinh pah, và cả ching kram (chiêng tre) nữa...tạo nên âm sắc núi rừng Việt Nam độc đáo, không nơi nào có được. Và trong những ngày hội tưng bừng trên đỉnh non ngàn này, không thể thiếu những ché rượu cần mà những chiếc cần như những chiếc cầu của tình bạn, tình yêu, của men nồng cuộc sống...





    Từ măng non, tre vươn thẳng làm bạn với người, làm ngọn roi dạy dỗ con người, giúp con người bao điều trong cuộc sống, để rồi một buổi sáng kia, tre nở một chùm hoa và chết. Rất hiếm khi được nhìn thấy hoa tre nở. Cho đến nay, tôi cũng chỉ thấy hoa tre nở hai lần. Lần thứ nhất vào năm tám mươi lăm thế kỷ hai mươi. Năm đó, vào một buổi sáng mùa hè, rặng tre la ngà dọc bờ sông Bồ trước làng tôi đột nhiên bừng nở. Cả một rặng tre bung nở từng chùm hoa vàng xuộm màu thổ hoàng. Cái màu đất bình dị nổi lên nhờ màu xanh của lá, bình dị đến nao lòng. Cả lũ học trò chúng tôi hồi đó chiều nào cũng rủ nhau nhìn ra sông vì nghe nói tre nở hoa xong là chết. Nhiều đứa, trong đó có tôi, cố cãi lại lời tiên tri ấy, đến mức phải chia phe thách nhau. Nhưng ngày qua ngày, cả rặng tre từ màu xanh dần chuyển sang ngà. Cho đến một chiều nọ, không tin nổi vào mắt mình khi rặng tre cứ nhạt thếch hẳn đi, chúng tôi chạy ra xem thì thân tre đã khô lại. Trên cao kia, những chùm hoa tre khô cong rủ xuống như một bàn tay tiễn biệt. Bất giác cả bọn cứng lưỡi không nói nên được câu nào, cũng không thấy mấy đứa thắng cuộc yêu sách một điều gì. Trong làng có chú Tin đã ngoài bốn mươi vẫn còn độc thân chưa vợ. Chú xin làng chặt một cây tre về làm đàn bầu. Đêm đêm, tiếng đàn của chú nỉ non vang vọng khắp làng. Chẳng bao lâu sau thì có người chịu cùng chú kết tóc se tơ. Người già nói, tre nở hoa cả rặng như vậy là có điềm lành. Quả nhiên sau đó ít lâu thì không khí công cuộc đổi mới cũng tràn về nông thôn, đời sống của người nông dân có đỡ cực nhọc hơn. Nhưng cũng sau khi rặng tre la ngà ấy chết, làng không còn một cây tre la ngà nào nữa. Bấy giờ cả làng mới thấy do tre la ngà nhiều gai nên ít người trồng. Sau này tôi lang thang khá nhiều nơi, chú tâm tìm gặp một bóng dáng tre la ngà, ấy vậy đến giờ vẫn chưa một lần thấy lại
Lần thứ hai tôi nhìn thấy hoa tre nở chỉ mới cách đây vài năm, vài tháng sau cơn đại hồng thủy tháng 11 năm 1999. Ấy là một hôm giá rét đầu năm 2000, qua khỏi cầu TâyThành bỗng thấy một bụi tre nhỏ bên sông nở hoa trong mưa. Cũng những chùm hoa tre vàng nhạt như màu đất, vươn giữa trời xanh bất chấp mưa gió phủ phàng, rét buốt, bản lĩnh vô cùng. Bây giờ nghiệm lại, thấy loài tùng bách như người quân tử ẩn dật, tre lại như người quân tử dấn thân. Từ khi sinh ra, tre đã sống và trả nghĩa cho đất cho người,  đến khi hoa tre nở lần đầu tiên, cũng là lúc tre từ giã sự góp mặt của mình trên trái đất. Đó là một cách đi vào cõi chết rất đẹp: cả tre và hoa đều chết đứng như phơi gan ruột cùng trời đất chứ không chịu rủ xuống, lụi tàn như bao loài hoa khác. Cái chết ấy không hề làm cho người ta thấy một chút bi ai nào, ngược lại, nó tạc dáng hình giữa trời đất mênh mông, giữa muôn vàn hoa lá như một triết nhân đã ngộ ra chân lý về lẽ sống chết của con người.
Hồ Đăng Thanh Ngọc    
 Chuyện Cuốn Sách Cũ
Từ Oregon đến Seattle khoảng ba tiếng lái xe. Bạn dẫn đến khu Downtown, vào tiệm sách Việt Nam. Lúc đó đang là năm 2000, trong tiệm sách thấy có cuốn sách thu hút, dễ cảm tình đối với tôi vì có hình Nữ Thần Tự Do ở bìa, (sau này mới biết hình bìa sách là do nữ tài tử Kiều Chinh chụp, tặng cho Việt Báo) Viết Về Nước Mỹ năm 2000). Mang được sách Viết Về Nước Mỹ về,  tôi đọc ngấu nghiến say mê. Đọc trước những mẩu chuyện đã được giải thưởng, và rất thích bài viết của tác giả tựdo Nguyễn Văn Luận, tựa bài “người đi tìm tự do và tượng nữ thần tự do”. Bài viết của ông rất cảm động. Đọc thêm nhiều bài viết nữa. Từ đó đền nay, việc đọc những bài Viết Về Nước Mỹ hàng ngày trên Việt Báo Online,  rồi mua sách đọc sách Viết Về Nước Mỹ hàng năm, với tôi đã trở thành thói quen ,
* Một bữa tiệc ra mắt bà chị Việt Nam qua Mỹ du lịch, bạn của chị: chị bạn Seattle qua chung vui. Chị Seattle hỏi  giỡn:  “Hà ơi, em có quảng cáo dùm hai ông bà Nhã Ca (NC) và Trần Dạ Từ (TDT) không vậy?”  Tôi ngạc nhiên. Chị Seattle nói thêm:  “Vì thấy nhà em nhiều sách viết về nước Mỹ, có hình bìa Tượng Nữ Thần Tự Do... sách này do hai ông bà NC và TDT  sáng lập ra...”  Tôi chưa kịp trả lời câu hỏi. Bà chị Việt Nam của tôi:  -Ủa, NC và TDT còn sống hả?  Tưởng là họ bị việt cộng....  Chị bạn Seattle:  “Tụi mình gọi phôn cho Việt Báo xin hẹn gặp, cho mi được nhìn tận mặt hai vị đó...”.  Tôi khoe hai chị thiệp mời do Cô Quyên gửi (năm 2008).   “Em rất muốn được tham dự Giaiû Thưởng Viết Về Nước Mỹ, email hỏi Cô Quyên giá tiền vé vào cửa?  Cô Quyên trả lời: vé không bán, sẵn sàng mời  em tham dự, dù em không có tên trong giải thưởng, vì em mong được nhìn thấy tất cả những thân tình Việt Nam xa xứ với những nỗi niềm tâm sự được viết ra, mọi người cùng đọc, cùng chia sẻ buồn vui nơi xứ người. Em nhận được giấy mời rồi, vui lắm, rất là hồi hộp. Hẹn bạn Thảo ở Cali cùng đi. Nhưng, khi mua vé máy bay trên internet , nhìn cuốn lịch đã ghi sẵn những ngày quan trọng trong tháng, mới biết Lễ Cưới của người cháu trùng với ngày Dự Lễ Phát Thưởng của Việt Báo. Lễ Cưới chỉ có một lần trong đời người cháu ruột thịt con ông anh. Đành hẹn cô Quyên năm sau và tiếc nuối, tiếc ơi là tiếc. Nhớ lễ cưới người cháu năm ấy, vợ chồng tôi đến trễ, vì Freeway đang sửa, phải đi hướng khác, tìm đường loanh quanh mãi.  Đến nơi, không tìm thấy chỗ đậu xe, vòng vòng một hồi, hai vợ chồng cũng vừa vào đúng lúc đang giới thiệu bà con hai họ.  Ông anh, bên đàng trai:  “Tôi không biết nói gì hơn, rồi giới thiệu tiếp, rồi lại  “Tôi không biết nói gì hơn...” cứ như vậy, lê thê dài, em bé mới sinh của chị cô dâu cũng được giới thiệu, thằng bé cháu hai tuổi bị Mẹ nó trợn mắt, khóc om xòm vì không chịu lên sân khấu khi được gọi tên... Rồi... tiệc cũng được bắt đầu, nhạc trổi lên lớn quá,  nhức đầu, nhức đầu lắm, rất muốn lên sân khấu nói trực tiếp với ban nhạc,  nhưng vì các bàn tiệc quá gần nhau, chật cứng khó nhúc nhích, bàn tôi ngồi ngay cửa ra vào xa sân khấu. Vậy mà Ơi, vẫn chói tai, nhức đầu quá!  Ra xe trốn tiếng ồn và thầm tiếc phải chi đi dự Lễ Trao giải VVNM năm 2008. Tôi hỏi bà chị Việt Nam:  “Ngày về Việt Nam, em có tặng chị cuốn sách VVNM năm 2001, chị còn giữ?” “Ờ, lúc đó, chị sợ quá em à, chị đem bán ve chai, chị sợ việt cộng biết chị có cuốn sách với cái hình Tượng Thần Tự Do....” “ Chị ơi! Em hỏi vậy thôi, chứ em đã thấy lại cuốn sách đó ở chợ Tân Định. Ông cụ ngồi vỉa hè bán đủ thứ lặt vặt, sách còn nguyên chữ viết em tặng chị, em mua lại và hỏi ông có đọc? Ông cũng đọc,  nhưng ông già cũng sợ như chị vậy đó. Cuốn sách nhàu nhì cũ, em nghĩ nhiều người cũng đã đọc. Cuốn  sách chắc đã được đi vòng vòng sau hai năm ngày em tặng chị.  Chị Việt Nam than thở: “Cái xứ gì đâu mà chả có con ma nào hết...”.  Chị bạn Seattle: “Chứ mấy con ma nào đang ngồi bên cạnh mi đây?”  Thương chị tôi chậm chạp, qua xứ Mỹ nhìn cái gì cũng lạ:  “Tại sao ban ngày mà nhà ai cũng đóng cửa như ban đêm? Xóm vắng người qua lại, yên tĩnh quá, phố xá sạch, cỏ mọc xanh tươi...”. Chị ngạc nhiên nhất: “Người lái máy bay là phái nữ trên chuyến bay của chị...”, có lẽ mải suy nghĩ khâm phục phụ nữ người Mỹ ;ái máy bay, chị quên cái Passport trên chuyến bay đó và không nhớ đã lạc mất ở đâu.  Con gái của chị kể chuyện đưa mẹ đến cái văn phòng Sứ Quán của Việt Nam ở Xăng Phăng. “Lãnh Sự Quán vốn có nhiệm vụ bảo vệ cho người dân còn ở VN qua Mỹ du lịch xứ người. Con bé qua mấy tầng thang máy vào văn phòng, gặp một chị Việt Cộng (VC) “tiếp dân”, chị nhìn con bé bằng nửa con mắt, con bé ngồi chờ gọi tên, cầm trên tay cuốn VVNM 2001 (vẫn cuốnsách tôi đã tặng Mẹ của cháu năm xưa, mua lại từ ông già ve chai chợ Tân Định), thói quen đọc sách của con bé khi chờ đợi ở văn phòng. Chị VC hỏi: “Tại sao Mẹ của cô lại làm mất Giấy Thông Hành? Thêm nhiều câu hỏi “tại sao”, con bé thầm nghĩ: công việc của cô ta ở văn phòng này chỉ để hạch hỏi hai chữ tại sao. Thêm câu hỏi: “Tại sao tên của cô (tên con bé ) trên giấy tờ không có dấu sắc, dấu ngã...”.  Sau nhiều lôi thôi, rắc rối thủ tục giấy tờ hành chánh (hành dân là chánh), con bé cầm được trên tay cái giấy Passport tạm thời của Mẹ, cầm thật chặt, và chỉ vào cái dấu đỏ chót:  “Thưa cô VC, nhìn kỹ lại đi, tại sao tên của vị Đứng Đầu Xứ Quán VN trong cái dấu đỏ choé này, cũng không thấy dấu sắc hay dấu huyền ...”. Khỏi cần chờ trả lời, con bé cùng Mẹ “chạy nhanh” ra cửa. Con bé đã quên và để lại văn phòng lãnh sự ấy cuốn sách VVNM 2001...  Đó là số phận cuốn sách em đã tặng chị, không hiểu nó lại vòng vòng ở đâu?  Kỷ niệm với sách VVNM có nhiều với tôi, đam mê đọc sách nên cứ nghĩ ai cũng giống mình. Bạn tôi, đang chuẩn bị qua Mỹ du lịch, bạn hỏi tôi về chuyện tìm việc làm tạm khi đến Mỹ, tôi email gửi về cho bạn bài viết của tác giả Hà Kim, tựa bài “Qua Mỹ Du Lịch Làm... Oshin”. Bạn giận tôi: “Ta mà làm Oshin hả?”  Tôi nghĩ: vì bạn chưa đọc hết bài viết để hiểu rõ bài viết nói gì. Cũng nhờ sách VVNM tôi tìm được người thân quen trong cuộc sống: vợ chồng anh chị Nguyễn Thế Thăng, cùng tiểu bang Oregon, qua bài viết cảm động “Người Việt Gốc Mỹ”.  Cùng ngày anh chị Thăng và cháu gái dự Lễ Trao Giải Thưởng của Việt Báo năm 2008, buổi sáng Oregon,  bó hoa cùng tôi, đi tìm Phần Mộ của vợ chồng Micheal  trong câu chuyện.  Sống ở Mỹ mười sáu năm rồi, lúc nào tôi cũng hẹn với riêng mình: một ngày nào đó sắp xếp công việc làm, sẽ đi thăm để nhìn tận mắt bức tượng Nữ Thần Tự Do ở New York. Cám ơn Việt Báo cùng tất cả Ban Tổ Chức Sáng Lập ra mục VVNM này, có dịp để nhiều người được tâm sự. Vậy mà bây giờ cũng đã được mười năm tròn kỷ niệm. 
Châu Hà