Hôm nay 21/9/2009, thế là đã 35 năm kể từ ngày cưới! Thời gian thắm thoát trôi nhanh quá phải không anh? Nhưng mà thật sự chúng ta chung sống không trọn vẹn 35 năm, bởi lẽ có những khoảng thời gian chia cách mà cặp vợ chồng nào cùng trang lứa của chúng mình đều phải trải qua trong thời chinh chiến. Bây giờ em thử ôn lại những chặng đời của chúng mình trong 35 năm qua đã có những niềm vui, nỗi buồn nào anh nhỉ?
Này nhé, chúng ta thành hôn ngày 21/9/1974 ở Saigon. Sau đó anh trở về đơn vị tác chiến ở Quãng Đức rồi đi ra Kontum, tình hình chiến sự lúc đó vô cùng sôi động. Em ở nhà thấp thỏm lo âu, mong chờ từng cánh thư của anh gửi về mới biết được tin anh. Không ngờ đến tháng 10/1974 anh nhận được sự vụ lệnh về trình diện ở Biệt khu Thủ đô Saigon để theo học khóa truyền tin. Đó là cơ may hiếm có mà em cứ tưởng như là giấc mơ!!! Thế là em yên tâm hơn, không còn cảnh em hậu phương, anh tiền tuyến như trước nữa.
Tháng 4 đen, vận nước đổi thay, cơn hồng thủy đổ ập xuống Miền Nam yêu dấu. Cùng với các sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, anh phải chịu cảnh đọa đày trong nhà tù cộng sản từ tháng 6/1975. Anh đi tù khi con gái đầu lòng của chúng ta chưa mở mắt chào đời. Tuy em được lưu dụng để tiếp tuc dạy học nhưng cũng phải trải qua hơn một tháng gọi là học tâp chính trị. Ngày làm bài thu họach cũng chính là ngày em chuyển dạ sanh. Bé Phượng ra đời mà không có ba bên cạnh, ôi tủi thân biết mấy!
Từ đó em làm thân Cái Cò lặn lội, vừa nuôi con nhỏ dại, vừa nuôi chồng nơi chốn lao tù. Thân phận của người vợ tù cải tạo sao mà nghiệt ngã! Em làm đủ thứ nghề để mà tồn tại trong cuộc sống. Ngoài giờ dạy học em may đồ chợ, bán gạo, chở gạo từ Xa cảng miền tây về Tân Định. Con thì gửi cho người ta giữ để rãnh rang mà làm việc, mỗi ngày chỉ gần gũi con có vài tiếng đồng hồ vào buổi tối. Nghĩ mà thương bé Phượng, còn nhỏ mà đã sống thiếu sự gần gũi của cha mẹ, lại c ùng chịu cảnh long đong!
Còn anh cũng vậy, bị đày ải nơi chốn lao tù, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, lại phải lao động khổ sai nơi rừng thiêng nước độc. Vợ con một nơi anh môt ngã, có gặp nhau trong những giây phút thăm nuôi ngắn ngủi hiếm hoi cũng không dám hỏi han nhau điều gì, sợ bị làm khó dễ. Thời xuân sắc của em lao đao lận đận theo vận nước nổi trôi, còn anh phải chôn tuổi thanh xuân nơi chốn lao tù.
Tháng 9/1980 anh được ra khỏi trại tù như được sống lại một lần nữa. Ngày anh về bé Phượng sắp vào lớp Một, cha con mới được trùng phùng. Từ đây chúng ta bắt đầu cuộc sống mới từ con số không. Anh ra khỏi nhà tù nhỏ để vào nhà tù lớn hơn, nhưng được một điều là sống gần gũi vợ con và gia đình. Anh đã không ngại ngần làm đủ thứ công việc để sống và tồn tại: làm phụ hồ, đạp xích lô, chở bia, dạy kèm tiếng Mỹ. Em thì dạy học đầu tắt mặt tối, ở trường, ở nhà, kèm tại gia. Mở bừng con mắt ra là thấy học trò từ sáng đến tối. Mình lo chăm chút dạy con người ta mà chẳng có thời gian nhiều để kèm cặp các con mình phải không anh? Cũng may chúng nó đều ngoan và có Phượng chăm sóc các em nên chúng ta không phải bận tâm nhiều mà lo đi làm kiếm tiền. Phượng cũng may đồ chợ để giúp thêm ba mẹ.
Những tháng năm đầu ở xứ người, chúng ta đã không ngại khó, làm bất cứ công việc gì để sinh sống và nuôi con. Anh thì đi dọn dẹp ở nhà hát, khu thể dục thể thao, cắt chỉ, xắt thịt bò, dọn dẹp trường học. Em thì rửa chén cho hãng đồ ăn máy bay, dọn dẹp bệnh viện, trường học. Chúng ta làm việc bằng tay chân ròng rã từ những ngày hè nóng bức cho đến những ngày đông lạnh giá, chẳng quản ngại gian lao cực nhọc. Bù lại, số tiền mình kiếm được cũng tương xứng với công sức mình đã bỏ ra. Theo thời gian, các con cũng lần lượt tốt nghiệp trung học và đại học, đi làm và lập gia đình để có một cuộc sống riêng tự lập.
Hiện tại chúng ta vẫn còn đi làm cho đến lúc nghỉ hưu. Chặng đời nầy có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc sống hôn nhân của chúng ta phải không anh? Công việc làm của mình khá ổn định, cùng làm buổi chiều tối nên còn thời gian buổi sáng để gần nhau, cùng xem TV hay nghe nhạc, cùng ăn chung bữa cơm trưa hoặc vào xem internet để trí óc được mở rộng. Chúng ta cũng cùng song bước đi bộ xung quanh khu mình ở để rèn luyện thân thể và ngắm cảnh vật cùng hoa đẹp trong những ngày hè nắng ấm. Ngoài ra mình còn trồng trọt cây ăn trái và nhiều loại hoa cho vườn nhà mình thêm tươi sắc thắm. Rồi những ngày cuối tuần nhởn nhơ đi chợ hoặc mua sắm những món đồ mình thích. Em thấy như vậy là hạnh phúc rồi, có nhiều người chưa có điều kiện như mình anh nhỉ?
Cuộc đời quả là ngắn ngủi, mới hôm nào tóc còn xanh mà nay đã điểm hoa râm. Ngẫm nghĩ lại đời mình cũng lắm niềm vui, nỗi buồn, gian truân và hạnh phúc. Hãy giữ những niềm vui mãi trong tim như những viên ngọc quý, còn nỗi buồn mong mỏi tan đi như những giọt sương buổi sáng.Tận hưởng hạnh phúc hiện tại trong tầm tay với gia đình, bạn bè và người thân. Luôn giữ mãi nụ cười trên môi anh nhé!
Tự Tình
1- Lời Mở Đầu
Tự Tình
1- Lời Mở Đầu
Ai cũng có “ một lần được sinh ra, một đời để sống và một lần để chết “ dù phần cuối không mấy ai mong mỏi! Tôi đã sống hơn 2/3 đời người. Phần đời còn lại dài hay ngắn làm sao biết được? Tôi vẫn nghĩ rằng: Thượng Đế sinh ra con người vào cõi trần gian thì Ngài cũng sẽ lấy đi bất cứ lúc nào. Có điều tôi mong mỏi các con cháu sau nầy sẽ hiểu tại sao chúng là người Việt Nam mà lại được sống trên đất Mỹ? Tôi đã làm một vài vật kỷ niệm, một quyển lưu ảnh như là kỷ vật để lại cho con cháu. Nhưng tôi thấy vẫn còn thiếu bởi lẽ một quãng đời dài gần 60 năm làm người thì hình ảnh nào ghi hết được? Vả lại, trong cuộc sống truân chuyên của con người thì có biết bao nhiêu điều đáng nói cũng như những kỷ niệm cần ghi chép lại. Tôi không thể đợi đến lúc nghỉ hưu, rãnh rang mới viết vì lúc đó liệu tôi có còn đủ trí nhớ để ghi lại những điều mình muốn nói? Bây giờ, dù bận rộn khá nhiều với cuộc sống đời thường, tôi nghĩ là thời điểm tốt để viết- nhớ đâu viết đó- mục đích là để ghi lại quãng đời ba chìm bảy nổi của thân phận tôi.
2- Thời Thơ Ấu (1952- 1958 )
Trong trí tôi không có được nhiều hình ảnh và kỷ niệm thuở ấu thơ của mình. Tôi nhớ ngôi nhà của ba má tôi ở chân Cầu Kiệu, dưới một con dốc dài và một xóm nhỏ với bao nhiêu là ngõ ngách. Cũng con đường hai Bà Trưng, còn một con hẽm lớn song song với con hẽm nhà ba má tôi là nơi ông bà Ngoại tôi ở chung với cậu mợ Tư cùng các cháu nội. Phía sau nhà ngoại là ngôi nhà nhỏ của dì Hai, chị lớn của má tôi cùng các con của bà.
Rồi tôi nhớ đến ngôi nhà của Nội tôi ở Cù Lao Phố, Biên Hòa, cạnh dòng sông Đồng Nai, nguồn nước ngọt cung cấp đến tận Saigon. Ngôi nhà đó tôi đã sống suốt quãng đời niên thiếu của mình nên có biết bao nhiêu là kỷ niệm. Bây giờ ngôi nhà đó vẫn còn nhưng đã được sửa sang lại mấy lần nên dáng vẻ đã đổi thay, chỉ còn vài cổ vật trong nhà là bền bỉ cùng năm tháng. Nào là bộ ván gõ và cái tủ thờ do ông Nội chính tay làm ra rất khéo léo, vài cái bàn gỗ quý và hai tấm liễng chữ Tàu mà tôi không hiểu nghĩa, chỉ đoán thầm là lời dạy của thánh nhân. Trên bàn thờ ông bà ngày tôi còn bé chỉ thấy hình ông bà Cố và ông Nội. Nay lại thêm bao nhiêu tấm hình của những người thân lần lượt ra đi... Còn nỗi buồn nào hơn khi tôi về lại thăm nhà!!!
Tôi còn giữ một tấm hình duy nhất đã phai màu với hình ảnh ba tôi đang bế tôi trên tay và má tôi dắt tay anh hai đứng giữa hai người. Lúc đó tôi khoảng 2 tuổi. Ba má tôi còn trẻ lắm, ba 24 và má 22 tuổi. Như vậy khi hai người lập gia đình thì ba tôi khoảng 20 và má 18 tuổi.
Tôi không nhớ rõ ba má gởi tôi cho bà nội và cô hai ( tôi vẫn gọi là má hai ) lúc tôi bao nhiêu tuổi? Chỉ còn giữ trong đầu cái hình ảnh ba má tôi đem đứa em gái út về Biên Hòa bằng xe taxi khi nó mới mấy tháng tuổi ( năm đó tôi đã 18 tuổi ). Chắc đó cũng là hình ảnh chung của 5 anh em tôi khi ba má đem về gửi nội vì bận công việc làm và buôn bán. Má nhờ người giữ thì làm sao bằng bà Nội và cô hai được!
3- Thời Tiểu Học (1958- 1963)
In đậm trong tâm trí tôi là hình ảnh ngôi trường làng Hiệp Hòa A ở Cù Lao Phố mà tôi đã theo học từ lớp năm ( lớp 1) đến lớp nhất ( lớp 5). Các cô giáo đã từng dạy dỗ suốt 5 năm học tôi không nhớ hết, chỉ nhớ cô năm Châu dạy tôi lớp ba ( người đặt cho tôi tên Hạnh A vì trong lớp có tới 2 Hạnh ) và cô Hai dạy tôi lớp nhất.
4- Thời Trung Học (1963- 1970)
Tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường Trung học Ngô Quyền Biên hòa năm 1963. Má tôi nhờ bà Năm ở cạnh nhà may cho tôi mấy cái áo dài trắng quần đen để đi học trung học.
5- Thời Sư Phạm (1971- 1973)
Tôi vốn thích nghề dạy học từ thuở nhỏ. Cũng là cái duyên nên thi đậu ngay vào trường Quốc Gia Sư Phạm khóa 10 năm 1971. Lại được tiếp tục áo trắng học trò tung tăng đến lớp. Tôi học lớp nhất 7, toàn là nữ sinh từ khắp nơi về đây. Tôi chơi thân với chị Hoa ( từ Thủ Đức ), Thanh Hà và Điệp ( người Huế ). Bạ đi về chung xe mỗi ngày thì có chị tám ở Phú Nhuận. một số bạn học cũ ở Ngô Quyền cũng thi đậu vào đây năm nầy, trong đó có Hương, đứa bạn thân nhất ở Cù Lao Phố mặc dù chưa bao giờ học chung lớp! Những kỷ niệm với Hương tôi không bao giờ quên. Hàng ngày đi học Ngô Quyền, hai đứa đi chung về chung suốt 6 năm học. Tôi và Hương đều học Pháp văn nhưng đứa thì thất 1, đứa lại thất 3. Chỉ có lúc đi học thêm thì chung một lớp. Hương bây giờ cũng có ba đứa con gái như tôi, đã trưởng thành nhưng vẫn sống gần nhà cha mẹ.
Đến năm nhị 7, tôi học chung với phân nửa con trai. Thời gian nầy tôi sinh họat với nhóm Hoa Hồng, Hà Văn Hồng ở Thạnh lLộc làm trưởng nhóm. Đã có những cuộc đi chơi dã ngoại thật vui ở Thạnh Lộc, Chợ Đệm, Bình Dương, Biên Hòa... Thầy Thành là giáo sư hướng dẫn của nhị 7. Sau nầy có những bạn học cùng lớp kết hôn với nhau sau khi ra trường: Xuân- Sơn, Thành- Yến, Oanh- Tâm, Quỳnh- Long và cũng có những cặp không thành: Hồng- Hoa, Phi- Phỉ... vì hoàn cảnh gia đình! Vui cũng có mà buồn cũng có.
Ra trường năm 1973, mỗi người đi mỗi ngã khắp nơi ở miền đông nam phần. Tôi và chị Hoa có điểm đậu gần nhau và khá cao nên được về trường Nam Thủ Đức, thầy Quan Vinh là hiệu trưởng. Chị Hoa thì gần nhà, còn tôi phải đi xe đò mỗi ngày Saigon- Thủ Đức. Sau 1975, chị Hoa nghỉ dạy và đi tu, nghe đâu bây giờ là sư trưởng của mọt chùa nào đó! Cùng đi chung xe, tôi quen với chị Bé dạy ở Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức. Cũng có nhiều kỷ niệm mà bây giờ tôi không nhớ hết.
6- Thời Dạy Học (1972-1995)
Trường đầu tiên tôi dạy sau khi ra trường Sư Phạm là trường Nam Thủ Đức. Lúc ấy tôi còn trẻ lắm, 21 tuổi, mà được dạy lớp năm con trai từ 11 đến 14 tuổi.. Như vậy tôi chỉ hơn học trò chưa tới 10 tuổi. Năm đó có nhiều đứa học sinh học rất giỏi, ngoan và dễ thương. Bây giờ có gặp lại chắc tôi cũng không nhận ra vì chúng cũng đã trên dưới 50 tuổi rồi! Đa số các em là con của sĩ quan nhà ở khu Thủ Đức. Như vậy chắc phần lớn chúng đã theo cha mẹ đi ra nước ngoài. Các anh chị giáo viên ở đây rất chân thành và thân thiện. Tôi chơi thân với chị Triều, chị Nhưng, chị Tuyết.
Sau 1975 tôi đã hồi hương về Cai Lậy, Mỹ Tho. Không sống nổi với miền đất khô cằn sỏi đá nên tôi đã mang con trở lại Saigon sống với cha mẹ. May là thầy hiệu trưởng Phước không báo cáo tôi đã bỏ nhiệm sở mà còn nhờ chị Triều nhắn tôi trở về và ký giấy cho tôi về dạy ở trường An Phú, ngã ba Cát Lái gần nhà hơn. Không biết bây giờ thầy Phước có còn khoẻ không? Tôi vẫn nhớ ơn của thầy mà không có cơ hội để đền đáp...
Về dạy trường An Phú có thầy Lý làm hiệu trưởng. Anh Lý cũng là ân nhân của tôi khi ký tên chứng nhận giấy tờ để tôi xin nhập lại hộ khẩu của cả hai mẹ con khi đã cắt đi để hồi hương năm 1976.Nghe đâu anh Lý cũng đã mất sau một cơn bạo bệnh. Tiếc thay một người tài giỏi và có lòng nhân hậu!
7- Thời Nuôi Chồng Cải Tạo (1975- 1980)
Tôi bắt đầu thân phận Cái Cò từ ngày chồng vào tù cải tạo (27/6/75 ). Người ta còn gọi là “ vợ tù cải tạo “ nữa, ôi mỉa mai thay! Ngày 30/8/75 tôi sanh Bích Phượng, con gái đầu lòng ở bảo sanh viện Trương Phương, Tân Định. Lúc đó không có chồng bên cạnh mà tôi cũng không biết anh đang ở nơi đâu? Chỉ có chị dâu và má đưa tôi đi sanh, thật đúng là “ đi biển một mình “, còn nổi buồn nào hơn! Thời gian đó mặc dầu sau ngày mất nước nhưng các điều kiện về y khoa vẫn còn khá đầy đủ nên việc sanh nở cũng suông sẻ.
Nhớ lại sau 30/4/75, lúc đó tôi đang dạy học ở trường Nam Thủ Đức. Cùng dạy chung với tôi cũng có một số chị mà chồng là sĩ quan VNCH: chị Bé, chị Nhị, chị Mộng Thi... Những giờ giải lao thì thường hay tụ tập với nhau rồi to nhỏ chuyện chồng con cũng như rỉ tai nhau những tin tức về người cải tạo. Có khi hay những tin biến động ở trại tù rồi nghĩ đến chồng mình, cùng nhau khóc tỉ tê. Có lẽ bây giờ các chị ấy cũng đã có cơ hội xuất ngoại và ở khắp các phương trời!!!
Sau ngày mất nước, thầy Phước lên làm hiệu trưởng, là một người thật tốt bụng. Nếu không nhờ thầy giúp đỡ chắc tôi đã bị đuổi việc sau ngày về Cai Lậy định hồi hương để chồng về sớm. Sau ba tháng tình hình không ổn định ở trường: kẻ đi, người ở nên người ta làm lại biên chế. Đến tháng 8/75 thì giáo viên bắt đầu đi học tập chính trị trong vòng một tháng. Tôi có thai tháng cuối cùng cũng phải ngày ngày mang cơm, vượt đoạn đường Saigon - Thủ Đức để học chính trị, tập trung vài ngôi trường lớn ở quận Thủ Đức. Đến ngày làm thu hoạch sau một tháng trời cực khổ nghe giảng và nhồi nhét chủ nghĩa cộng sản, tôi lại chuyển dạ sanh. Cũng may lúc ấy chị Tuyết (đã vượt biên năm 1980 hiện đang sống ở Santa Ana, California ) đã liều lĩnh làm giùm bài thu hoạch, nếu không sau khi sanh tôi phải đi học chính trị lại lần nữa! Tháng 9/75 tôi trở lại trường đi dạy trong khi không biết chút gì về tin tức của chồng. Hai năm học trôi qua, đến kỳ nghỉ hè thì toàn thể giáo viên lại lục tục đi học chính trị hè lần nữa. Năm nay vì kinh tế khó khăn nên một số giáo viên nhà ở Saigon phải đạp xe lên Thủ Đức để học chính trị trong đó có tôi. Học được ít lâu thì tôi tự ý bỏ lớp để về Cai Lậy hồi hương mà không đoán trước được tương lai mình sẽ ra sao? Mang đứa con nhỏ một tuổi về miền quê để sống là cả một sự mạo hiểm mà tôi vẫn nhắm mắt buông xuôi với một ước vọng duy nhất là chồng mình sẽ được trả về với gia đình. Nhưng sự thật không giống như ước mơ, tin tức chồng không biết nói chi đến việc được trả về sum họp với gia đình! Tôi không thể sống nổi ở Cai Lậy vì ở đây không giống quê nội Cù Lao Phố của tôi mà cuộc sống vô cùng khó khăn, nước mặn đồng chua và phải đi chân đất lội ruộng và đi trên cầu khỉ, ôi còn đọa đày nào hơn! Lúc ấy may mắn cho tôi là thầy Phước nhờ chị Triều nhắn với gia đình tôi, khuyên tôi nên bế con trở lại Saigon sinh sống. Nhờ đó tôi mới được gọi về. Một tháng về quê không biết ngày tháng, chỉ thấy mặt trời mọc thì biết rằng một ngày mới bắt đầu và mặt trời lặn cho biết một ngày sắp chấm dứt... Tôi từ giã ruộng đồng ôm con trở lại Saigon với lòng nặng trĩu âu lo vì không biết phải sinh sống bằng cách nào?
8- Thời Ở Mỹ (1995- 2009)
Tôi còn nhớ như in cái ngày rời quê hương đau khổ để đến miền đất hứa (10/7/95). Cả nhà đã chuẩn bị một cách âm thầm không tiệc tiễn đưa, ra đi vào lúc nửa đêm của một ngày buồn! Vật dụng hành lý mang theo 20 kg cho mỗi người. Vậy là cả nhà tôi 5 người được 100 kg. Bỏ lại tất cả để lên đường. Bỏ lại sau lưng tất cả người thân thuộc không biết khi nào sẽ gặp lại hay đây là buổi chia tay cuối cùng rồi vĩnh viễn xa nhau? Bỏ lại căn nhà thân yêu đã gây dựng bằng mồ hôi lẫn nước mắt và nhất là bỏ lại muôn vàn kỷ niệm của một quãng đời 43 năm làm người. Hai người mẹ già không thể ra phi trường đưa tiễn con cháu một chuyến đi không hẹn ngày về.
Tôi vẫn còn nhớ việc nộp đơn xuất cảnh theo diện HO cũng lắm nhiêu khê nên mới chậm trễ đến HO 34. Đủ loại phiền toái trên đời, hao tốn tiền bạc, sức lực. Cuối cùng rồi cũng được phỏng vấn và chấp thuận được đi Mỹ. Phải mất 4 năm trời chờ đợi dài đăng đẳng mới được bước chân lên máy bay lần đầu của thân phận làm người nhà quê!
Đến miền đất hứa cùng ngày(11/7/95) vì nước Mỹ cách Việt Nam nửa vòng trái đất nên đi chậm hơn 14 tiếng đồng hồ, có nghĩa bên Mỹ ban ngày thì VN ban đêm.
Ba tôi sinh năm 1930 ở Cù lao Phố, Biên Hòa cũng là quê nội của tôi. Ông bà nội có năm người con, hai trai ba gái mà ba tôi là con út.
Ba tôi sau khi học xong trung học thì về làm việc ở Saigon và gặp má tôi và thành hôn năm 1950.
Ba má tôi có năm người con:
- Anh hai tôi Phạm Hữu Lộc sinh năm 1951.
- Kế đến là tôi Phạm Thị Hữu Hạnh sinh năm 1952.
- Em tôi Phạm Lý Hữu Phúc sinh năm 1958.
- Em trai kế Phạm Lý Hữu Danh sinh năm 1960.
- Em út là Phạm Lý Mỹ Dung sinh năm 1970
Ba tôi làm thư ký ở Tổng nha quan thuế từ lúc còn trẻ đến năm 1975 đổi đời mới nghỉ việc phụ buôn bán với má tôi cho đến lúc mất sau một tai nạn xe cộ năm 1983.
Năm 1951 anh hai tôi được sinh ra. Tiếp đến năm sau 1952 thì tôi được sinh ra. Như vậy ba má tôi có hai đứa con sinh năm một. Ba tôi đi làm còn má tôi buôn bán, có lẽ phải nghỉ buôn bán một thời gian để chăm sóc hai chúng tôi còn quá nhỏ. Rồi đến lúc nào thì gửi anh em tôi về Biên Hòa để bà nội và cô hai chăm sóc thì tôi không biết, chỉ nghe nói rằng ông nội tôi mất trước khi anh hai tôi được sinh ra. Vì thế anh em tôi không hề biết mặt ông nội, đó cũng là một sự thiệt thòi lớn cho chúng tôi.
Nghe kể lại rằng ông nội tôi đã từng thay cha mẹ nuôi hai em gái khi cha mẹ chẳng may mất sớm. Ông đã gã chồng cho hai người em yên bề gia thất rồi ông mới lập gia đình. Vì vậy tôi không phải ngạc nhiên khi biết rằng cô hai ruột của tôi là vai chị lại nhỏ tuổi hơn chú hai con của bà cô năm và cô hai con của bà cô sáu. Tôi vẫn còn nhớ mỗi năm đến ngày giỗ của ông nội thì bà cô sáu vẫn làm và mang vào cúng ông nội những món ăn mà thuở sanh tiền ông rất thích, thật đúng là tình anh em gắn bó của những người xưa! Ông nội tôi làm nghề mộc rất giỏi nên khi mất đi ông để lại những vật dụng bằng mộc rất đẹp và có giá trị như mấy bộ ván, mấy cái tủ thờ và bàn ghế ở trong nhà... Ngoài ra ông cũng có vài người học trò rất chung thủy, mặc dù ông đã mất đi nhưng các bác ấy vẫn lui tới giúp đỡ bà nội tôi khi cần và sau nầy khi bà nội mất vẫn tiếp tục giúp đỡ cô hai tôi, tình nghĩa thầy trò ngày xưa thật là cao quý!
Cả một khung trời tuổi thơ và tuổi niên thiếu của tôi gắn liền với ngôi nhà của nội ở Cù Lao Phố, Biên Hòa. Ngôi nhà nầy do ông nội tôi tự tay xây cất. Rất tiếc là tôi được sinh ra mà không có diễm phúc ở trong vòng tay của ông nội ẵm bồng, nhưng mà tôi luôn hãnh diện khi nhìn những vật dụng trong nhà do ông nội tôi làm. Bù lại tôi được nuôi nấng và chăm sóc bởi bà nội và cô hai suốt cả thời thơ ấu. Nhà tôi nhắc nhở nhiều lần: Anh nên viết lại tiểu sử của mình để mai sau con cháu đọc sẽ biết mình xuất thân từ đâu, đã làm gì và tồn tại trên đất Mỹ nầy như thế nào? Thấy cũng hay hay nên tôi bắt đầu ghi chép lại cuộc đời của tôi từ lúc sinh ra cho đến hiện tại sinh sống ở đây.
Tôi sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em: bốn trai, hai gái. Tôi là con thứ ba nên mọi người gọi là anh Tư, chú Tư, bác Tư... Ba tôi vốn ít nói nên tôi không nghe ba tôi nói gì về bản thân cũng như về vợ con. Trái lại, tôi biết về cuộc đời của ông bà, cha mẹ qua lời má tôi kể vì mỗi khi anh em chúng tôi có dịp ngồi quây quần trong bữa cơm hay ngày giỗ chạp ông bà là lúc má tôi có dịp kể liên tu bất tận về những nổi vất vả, lận đận trên đường tìm kế sinh nhai cùng với ba tôi nuôi các con lúc còn nhỏ dại.
Ba tôi khi còn thanh niên làm nghề thợ nguội, giỏi nghề rèn và đúc dụng cụ cho đồn điền cao su mà cái tên má tôi hay nhắc lại là Plantation Ông Quế, hai người gặp nhau ở đây. Má tôi là người bươn chải làm ăn, thích buôn bán, món gì bà cũng mua và bán được. Bà thường hay đi buôn hàng từ Long Khánh về đồn điền Ông Quế để bán lại cho những gia đình thợ đang làm việc và sinh sống ở đây. Bà rất chiều khách, có khi cho ghi sổ bán thiếu, đợi đến cuối tháng thợ lãnh lương mới trả. Đôi khi có người không chịu trả, bà phải đi đến tận nhà để đòi nợ. Gặp người mua thiếu dai dẳng không trả, bà ngưng không bán cho họ nữa. Cho nên số tiền lời bà kiếm được cũng không trọn vẹn nhưng cũng đủ để xoay trở trong gia đình.
Tôi được sinh ra ở đồn điền cao su Ông Quế nhưng tuổi thơ và lớn lên ở Saigon, do đó tôi chẳng biết nó ở đâu, cách Saigon bao xa và đi đến đó có dễ không nữa? Ba tôi làm việc cho một đồn điền của Pháp, khi Cộng sản nổi lên, bắt ba tôi theo phong trào Việt Minh, làm việc cho họ nếu không thì họ sẽ thủ tiêu. Giữa hai thế lực thù địch như vậy, ba tôi không thể chọn bên nào để được an toàn cho bản thân. Trước hoàn cảnh khó khăn, không sao thoát được, ba tôi chỉ còn cách chọn con đường bỏ việc làm ở đồn điền để về Saigon kiếm việc làm khác mà sinh sống. Ba tôi đi một mình, bỏ lại má tôi lúc ấy mới sinh ra tôi được vài tháng và hai anh chị tôi còn rất nhỏ. Một mình má tôi với ba đứa con còn nhỏ dại, bà tìm cách về Saigon với ba tôi nhưng người chủ đồn điền Pháp không cho, bảo rằng cứ ở lại đây rồi ba tôi sẽ trở về. Nhưng má tôi tìm mọi cách để rời khỏi nơi nầy. Nhân có chuyến xe của đồn điền đi Long Khánh, má tôi xin ông chủ cho đi theo để mua hàng hóa đem về bán ở đồn điền. Đi đâu má tôi cũng mang theo ba đứa con nhỏ nên chúng tôi cùng đi chung trên chuyến xe đó ra Long Khánh, trong đó có thêm một chị phụ việc mà má tôi đã mướn ở với chúng tôi cách đó mấy tháng. Đoàn công voa đi Long Khánh, khi đến một khu rừng um tùm thì bị Việt cộng phuc kích bắn ra. Xe chở má tôi nằm trong ổ phục kích nên chúng bắn xối xả vào xe, chị giúp việc trúng đạn mất ngay trên xe. Mẹ con chúng tôi nhờ Ơn trên phù hộ nên không ai bị thương tích. Lúc ấy bà quàng hai tay ôm ba đứa chúng tôi vào lòng và cầu nguyện thoát nạn. Đến Long Khánh, sau khi lo an táng chị giúp việc, má tôi tìm cách mua vé xe đò đi về Saigon để tìm ba tôi. Đến Saigon, má tôi chẳng biết đường xá đi lại ra sao? Chỉ được biết trước khi đi ba có nói ở Cầu Kiệu, Tân Định chứ chẳng biết số nhà, địa chỉ là đâu. thế mà mò mẫm má tôi cũng hỏi ra được nơi ở của ba tôi. Đây là con hẽm dài có cái dốc cao thường thược với nhiều ngõ ngách ngang dọc tựa bàn cờ. Dễ thường mấy ai tự tìm được địa chỉ của một người nào đó ở cái hẽm nầy,nhưng có một điều rất đặc biệt là chỉ cần nói tên của người cần tìm là người ta sẽ dẫn đến đúng nơi người ấy cư ngụ.
Má tôi gặp ba ở một cái nhà to ngay đầu ngõ, nơi đây có rất nhiều người làm việc. Họ làm công cho một người phụ nữ gốc miền Bắc đã vào Nam lâu lắm rồi mà chúng tôi không biết lịch sử của bà như thế nào? Nghề nghiệp của những người thợ ở đây là làm hộp. Họ chuyên làm những cái hộp thủ công để đựng nữ trang cho các tiệm vàng bạc hoặc là đựng những món quà tặng cho các cửa hàng trong thành phố.
Vì lý do gì thì má tôi không biết, bà Cả ấy đã dọn đi nơi khác, không sống ở căn nhà đần ngõ nữa. Lúc ấy trong đám thợ có ba người làm việc hợp ý với nhau nên bàn cùng hợp tác làm chung: cùng bỏ vốn với nhau để ra một xưởng sản xuất công nghệ nhỏ, đó là làm đủ thứ hộp lớn nhỏ, đủ kiểu, đủ dáng, đủ màu sắc nếu có ai ưa thích.
Ông Tư Hộp là người có nhà ở sân trong hẽm với hai cái nhà bếp lớn được cất trên một ngách kinh Nhiêu Lộc bây giờ. Hồi đó năm 1950, con rạch nầy rất lớn, người ta trồng rau muống phủ kín cả con rạch. Nhà bếp là một nhà sàn gỗ tương đối lớn, có đủ tiện nghi, có cả nhà vệ sinh, rác rến và đủ mọi thứ dư thừa đều đổ xuống sàn nầy. Mỗi năm đến mùa nước lớn, lụt lội ngập khắp nơi, mọi thứ dơ dáy từ con rạch nổi lềnh bềnh, thật là dơ bẩn. Nhưng thuở ấy còn nhỏ nên tôi rất thích dọc nước. Tôi nhảy xuống đó lội lõm bõm với lòng đầy hứng thú. Tôi còn nhớ cũng ở cái sàn bếp nầy- lúc ấy tôi khoảng 4-5 tuổi- phía sau sàn bếp còn một khoảng trống chưa kịp làm sàn, mà phía dưới là trũng nước sâu. Không hiểu sao tôi ra đó một mình và bị té xuống đó, ông Tư Thuận đi xuống bếp không thấy tôi đâu, chỉ thấy cái nón nỉ đỏ mà tôi đội hàng ngày đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, còn tôi thì đang trồi lên, ngụp xuống trong nước, ông mới vội nhảy xuống nước vớt tôi lên. Hồi ấy mỗi đêm ông thường dạy tôi và con gái lớn của ông tên Hương, Tôi mau hiểu và học nhanh nên ông rất thích và thương tôi. Sau nầy mỗi khi có điều gì xảy ra ở tôi ông đều bênh vực cho tôi. Ngay cả khi công an khu vực họp tổ dân phố ( lúc nầy cộng sản đã chiếm cả Saigon, toàn dân miền Nam sống trong đọa đày của chúng, tôi cũng đã bị chúng bắt đi tù đày hết 5 năm rưỡi ), hạch tôi thế nầy nọ, không muốn trả quyền công dân cho tôi, nhưng ông can đảm nói tốt cho tôi, và nó không có lý do để buộc tôi thế nầy, thế nọ.
Hợp đồng làm ăn giữa ba tôi ( Hai hộp ), ông Tư Thuận ( Tư hộp ) và ông Ba Khanh ( Ba hộp) tan vỡ khi ba tôi và ông Ba Khanh khám phá ra ông Tư hộp ăn chặn tiền của hợp đồng ba người, nên sau một trận cãi vả long trời lỡ đất giữa ông Tư hộp với má tôi thì việc làm ăn được chia làm hai phe, nhà cửa cũng chia làm hai, ông Tư ở một nửa còn ba má tôi và ông Ba ở một nửa. Việc làm ăn mạnh ai nấy lo mà kiếm sống, không nhờ vào ai nữa. Nhưng mọi việc cũng không đơn giản khi ông Ba Khanh bị ba tôi phát hiện cắt xén tiền làm ăn của đôi bên để làm của riêng, lúc ấy ông vừa lập gia đình. Thế là trong cái xóm hẽm hiền hòa nầy có ba người chuyên làm hộp giấy nữ trang và đủ mọi cỡ loại cho tất cả những ai có yêu cầu trong thành phố Saigon nầy. Và rồi những cuộc cạnh tranh giá cả, cao thấp đã xảy ra khi ba người đi chào hàng ở tất cả các tiệm kim hoàn. Và sự tức giận, không nhìn nhau lại xảy ra. Nhưng có một điều lạ là đến ngày Tết là những ngày nghỉ ngơi thì ba ông lại tụ lạicờ bạc vui vẻ,hết Tết thì họ không muốn ai nhìn mặt ai! Chẳng qua vì cạnh tranh hạ giá lẫn nhau mà ra cả.
Ba tôinhờ khéo tay và làm tỉ mỉ nên hàng của ông làm ra trông đẹp mắt và quyến rũ người mua, cho nên hai ông kia khó mà giựt được mối của ông với giá chào hàng thấp hơn. Thời gian trôi qua nhanh, các gia đình làm hộp ở xóm Vựa gạo nầy rồi cũng ổn định, người nào cũng có nhà ở, có thêm con cái. Riêng gia đình tôi thì má tôi sinh thêm ba đứa em nữa. Vậy là tôi có cả thảy 1 anh, 1 chị, 1 em gái và 2 em trai.
Khi tôi sắp đến tuổi vào lớp năm (lớp 1 bây giờ) thì má tôi có gửi tôi học thêm chữ ở trường Khai Tâm mà thầy giáo là một cụ già râu tóc bạc phơ do đó cả xóm gọi ông là “ “ ông cụ Giáo “ mà hầu như không biết đến tên thật của ông là Mai văn Thu . Lớp của ông có đủ hết mọi trình độ, từ lớp năm đến lớp nhất nhưng không đông học trò lắm. Ông đánh học trò rất dữ, ông dùng thước kẻ để đánh tay, phải xoè ngữa bàn tay ra rồi ông giơ thẳng thước từ trên cao đánh xuống. Ông đánh đủ mọi thứ tội: từ tội nghịch phá trong lớp tới tội nói chuyện hay viết sai quá nhiều lỗi chính tả, nếu trên 10 lỗi là 1 roi. Ông bắt lỗi chính tả rất kỹ, từ dấu chấm phết đến viết hoa đầu dòng,dấu chấm than, chấm hỏi. Một điều lạ là vì sợ ông đánh đòn tôi lại càng bị đòn bởi ông càng nhiều, ôi đủ mọi chuyện, chuyện gì cũng có. Tôi không hiểu sao lúc ấy trí óc tôi trở nên lú lẫn một cách kinh khủng nên viết chính tả luôn sai trên 10 lỗi, thế là lãnhmột con điểm zero to tổ tướng và bị ông kêu lên khẻ tay rất ư là đau đớn. Có lần tôi phạm lỗi quá nhiều và số khẻ tay quá lớn nên hai bàn tay tôi bị sưng húp. Và một lần vì quá đau tôi rút bàn tay lại, do ông nắm chặt tay tôi nên tôi ngã đầu cúi về phía ông, thế là chiếc thước kẻ vô tình đánh trúng vào trán của tôi sưng vù lên to tướng. Về nhà buổi trưa hôm ấy, má tôi thấy trán u, hỏi ra mới biết bị cụ ông lỡ thước, bà giận lắm và cho tôi nghỉ học ông từ đó.
Khi tôi vào lớp năm trường tiểu học Tân Định con trai vì trường chỉ toàn học sinh con trai từ lớp năm đến lớp nhất. Tôi học buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ mỗi ngày. Tôi còn nhớ cái lớp năm đó, cô giáo khoảng trên 30 tuổi, tóc uốn ngắn, má thoa phấn, môi thoa son đỏ chói, mười ngón tay của cô để dài sơn đỏ. Dáng vóc ốm và cao, nhưng đặc biệt ở cô là hai con mắt to và hiền hậu. Cô rất yếu sức khoẻ nên không di chuyển đi đâu hết, khi cô vào lớp chỉ ngồi ở bàn viết mà điều khiển đám học trò loi nhoi chúng tôi suốt cả giờ học bằng một bó thước cây mà cô dặn mỗi trò đi học phải mang cho cô một cây thước. nếu có học trò nào rời chỗ không có phép của cô hoặc nói chuyện làm mất trật tự trong lớp là cô dùng thước phóng vào đám học trò lộn xộn đó. Cô cho tôi nhiệm vụ là đi thu lượm những thước khẻ rơi dưới đất, bỏ lại trước bàn viết của cô. Cuối năm học nầy, với thành tích học tập tôi được hạng 5. Phần thưởng cho tôi cũng khá nhiều, nào tập vở trắng, sách học cho năm lớp tư cùng với bút mực, bút chì, thước kẻ. Tất cả được làm thành một chồng cao nghệu.
Ba tháng hè đến, ở nhà tôi chẳng sách đèn, ôn học văn toán mà chỉ rong chơi với đám bạn trong xóm. Nào là hết bắn bi đến tạt bao thuốc lá, đánh đáo, chọi tiền, đánh bài... Đêm đến thì đi xem hát bội với gia đình. Phải nói cuộc đời thơ ấu của tôi chơi nhiều hơn học. Sách đèn xa tôi đến nổi tôi chẳng biết gì cả. Đêm đêm anh lớn của tôi bắt tôi ngồi trước đèn học bài, tôi học hoài mà không thuộc. Cũng khổ nổi ổng đánh đòn tôi kinh khiếp đến nỗi trí nhớ của tôi đi đâu mất, khi trả bài tôi không thuộc, thế là ổng đánh tôi một trận bắt tôi học tiếp, tôi ngồi học mà tôi buồn ngủ không thể tưởng, miệng tôi đọc mà mắt tôi nhắm nghiền lúc nào không hay, thế là ông anh tôi đánh tôi một trận nữa bằng tay, bằng chân. Ông đấm đá vào người tôi, thật là khổ cho cái thân nhỏ bé của tôi, chỉ cái tội không thuộc bài mà bị đánh một đêm bao nhiêu trận...Từ lớp tư cho đến lớp nhất tôi học rất kém, lý do là tôi ham chơi nhiều hơn ham học, ra khỏi trường lớp về đến nhà là tôi rong chơi với đám bạn trong xóm với đủ mọi loại trò chơi. Không có ngõ nghách nàỏ vùng Tân Định, Phú Nhuận, Đakao mà không có gót chân của tôi đi qua!
Gia đình tôi có mở tiệm tạp hóa bán đủ loại hàng, từ gạo muối đến kim chỉ. Bà con trong xóm từ đầu chí cuối ai cũng đến quán của má tôi để mua hàng. Có người trả bằng tiền mặt, có người quen biết thì cho mua thiếu. Má tôi cho làm hai quyển sổ, một quyển được giữ ở quán và một quyển cho khách hàng. Khi khách mua một món hàng nào đó thì đưa sổ cho chúng tôi ghi tên món hàng và số tiền là bao nhiêu và ký tên vào đó để đến cuối tháng họ không chối cãi là không mua mà chúng tôi lại ghi vào sổ. Đôi khi có những gia đình trả tiền cuối tháng trễ, má tôi giao cho tôi nhiệm vụ phải đi đòi họ. Ôi thôi đó là một cực hình đối với tôi vì tôi không biết nói sao để họ mau trả tiền cho má tôi. Tôi chỉ biết nói: Ông bà hay cô bác làm ơn trả tiền mua thiếu tháng nầy cho má con ạ!!! Có người thì vui vẻ, có người thì lộ vẻ không vui, trả một ít để dành lại một ít sẽ trả sau. Có người thì trả lời không có tiền, chưa lãnh lương, hẹn sẽ trả sau. Ôi thôi đi đòi nợ thật không phải dễ, có người ăn rồi nhưng không muốn trả. Má tôi đôi khi thấy có người nghèo quá không có tiền, bà để cho thiếu rồi bỏ luôn không đòi nữa.
Ba tôi làm hộp đi bỏ mối, má tôi mở tiệm tạp hóa nên đời sống gia đình tương đối ổn định, có đồng ra đồng vào, không nợ nần ai hết. Khi má tôi sinh ra đứa em út thì tổng cộng số người trong gia đình là 8 người quá đông, mới mua thêm một căn nhà nữa nằm giáp đuôi với căn nhà chúng tôi đang ở và lên thêm căn gác phía sau nữa nên chúng tôi ở có thêm rộng rãi hơn.
Thời gian trôi qua nhanh, tôi lớn lên cũng nhanh. Má tôi đánh đòn tôi cũng nhiều vì những khi tôi bỏ học tối để đi xem phim Ấn Độ bên Phú Nhuận với người bạn cùng xóm. Tôi không có tiền nhưng anh ấy bao tôi hết tất cả, từ vé xem phim đến ăn quà vặt trong rạp nên tôi rất thích anh ấy. Thế rồi sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, tôi phải thi vào các trường trung học công lập. Thể lệ thi tuyển rất khó, chỉ cho các học sinh trên trung bình mà cố gắng thì mới có thể vào được. Tôi không thi đậu vào các trường trung học công lập, ba má tôi cũng cố gắng bỏ tiền cho tôi học trung học tư thục. Qua nhiều trường trong khu Tân Định, rồi cuối cùng tôi chọn trường Văn Lang ở Xóm Chùa, quận Nhất. Từ trường học nầy tôi bắt đầu bỏ đi chơi, ở nhà học tập nhiều hơn để rồi năm thi trung học đệ nhất cấp, tôi đã thi đậu với thứ hạng trung bình. Lúc nầy chiến tranh trở nên khốc liệt, mọi thanh niên lớn lên trên 18 tuổi phải nhập ngũ tòng quân. Lúc ấy tôi đã 16-17 tuổi rồi nên tôi phải ráng học để không vào lính. Năm đệ nhị tôi đậu Tú tài 1 dễ dàng và sang năm đệ nhất tôi cũng đậu luôn Tú tài 2. Đường vào đại học thênh thang, tự học nhiều hơn là ở lớp. Cần phải có tài năng và thông minh xuất chúng mới vào được các trường đặc biệt như y khoa, dược khoa, cao đẳng kỹ thuật, kiến trúc, nông lâm súc... Nếu thi không đậu thì phải vào các trường văn khoa, luật khoa hay khoa học. Số sinh viên học ở các trường nầy rất nhiều vì họ không giới hạn, bao nhiêu cũng nhận hết. Tôi học ở trường Đại học khoa học được một năm, thấy khả năng học tập không kịp với các bạn cùng lớp và biến động Mậu Thân 68 xảy ra. Học hành cũng chẳng đi đến đâu, ngoài đường phố, trong xóm hẽm đâu cũng thấy lính. Tin tức từ chiến trường chiếu trên TV và nói trên đài phát thanh hàng ngày. Quân đội ta chiến thắng trên khắp chiến trường ở 4 vùng chiến thuật, nhưng quân ta bị thương và chết cũng không ít. Tôi cũng đã đến tuổi phải nhập ngũ. Nếu nhận giấy gọi thì đi trừ bị Thủ Đức. Sĩ quan tốt nghiệp từ đây, ra trường chết và bị thương rất nhiều. Trong xóm tôicó hai người đàn em cũng bị mất trong cuộc chiến. Tôi chọn quân trường Võ Bị vì chương trình học quân sự và văn hóa kéo dài 4 năm, có thể kéo dài thời gian ra chiến trường.
Sau 4 năm ở trường Võ Bị Đà Lạt từ 68 đến 72 với nhiều buôn vui, tôi ra trường với cấp bậc thiếu úy và phục vụ ở Sư đoàn 23 bộ binh. Tôi được điều động đến tiểu đoàn 1, trung đoàn 53. Các bạn cùng khóa với tôi về Sư đoàn 23 tổng cộng là 9 anh em: 4 người về trung đoàn 53 và 5 người về trung đoàn 45. Chúng tôi hầu như không gặp mặt nhau vì mỗi người đi hành quân mỗi nơi, ngay cả cùng một trung đoàn cũng hiếm gặp nhau.
Ngày tôi ra trường là cuối năm 72. Đầu năm 73, chiến sự rất căng thẳng, cộng quân đánh vào thành phố Kontum rất ác liệt nhưng các đơn vị của ta chống cự rất anh hùng. Ngày ngưng bắn trong tháng 1 năm 73 chúng tôi mới được cho ra đơn vị tác chiến. Lúc bấy giờ xung quanh thành phố Kontum là một bãi chiến địa hoang tàn, nhà cửa không còn mà chỉ là một đống gạch vụn ngổn ngang dưới cái nắng cháy da người. Cảnh tượng ấy trong đời tôi mới thấy lần đầu thế nào là chiến tranh?
Đơn vị tôi đóng ở phía bắc thành phố Kontum, trong một khu rừng xác xơ với bao bom đạn của hai bên. Địch quân đóng quân cài răng lược với quân ta dọc theo quốc lộ 14. Thời gian ngưng bắn chẳng bao lâu thì cộng quân vi phạm hiệp định Paris, chúng tự động lấn chiếm thêm đất. Thế là chiến sự bùng nổ khắp nơi. Thương tích và chết chóc dọc theo đường hành quân của đơn vị chạy dài trong quân khu 2, từ Kontum đến Pleiku rồi Ban Mê Thuột- quãng Đức – Gia Nghĩa... Chiến trường mỗi ngày thêm khốc liệt, tiểu đoàn của tôi có biết bao là thay đổi, lính cũ ra đi vì tử trận, vì thương tích nặng, lính mới bổ sung về rất đông. Rồi sau mỗi cuộc hành quân là có mất mát, có đau thương, có thay đổi... Trận chiến giữa chúng ta với địch có nhiều khó khăn mà ta khó nắm lấy được phần thắng lợi vì địch trốn trong rừng rậm, khi ta đem quân vào tiêu diệt chúng thì chúng trốn sâu trong ấy, ta không biết chúng ở đâu mà tiêu diệt. Nhưng khi chúng ta lặn lội qua những đêm ngày mệt mỏi, lương thực cạn kiệt, yểm trợ pháo binh khó khăn thì chúng tập trung lực lượng đánh chúng ta., cho nên tổn thất lực lượng của chúng ta khó mà tránh khỏi.Lại nữa tinh thần của binh sĩ rất là kém vì họ chỉ muốn an nhàn với vợ con, gia đình. Họ không hiểu rằng họ phải chiến đấu để giữ gìn an bình nơi hậu phương, nơi đó có gia đình và vợ con của họ. Họ cũng không hiểu cộng sản là sát máu, đau khổ, là đói nghèo, độc tài, là tự do của con người không còn nữa, là hạnh phúc của chúng ta bị cướp. Tất cả những gì chúng ta có sẽ bị mất hết... Bởi vậy muốn sống còn chúng ta chỉ có con đường duy nhất là chiến đấu đến cùng!
Trải qua nhiều chiến trường gian khổ, rồi một ngày của tháng 10 năm 74, tôi nhận được sự vụ lệnh đổi về bộ Tổng tham mưu để đi học truyền tin. Trong thời gian nầy thì chiến sự trở nên ác liệt ở miền trung rồi cao nguyên vùng 2. Đến tháng 3 năm 75, tin chiến sự ngày càng thêm căng thẳng. Quân ta bỏ vùng 1, vùng 2 rút vào nam. Chính phủ Mỹ tuyên bố rút quân đội ra khỏi Việt Nam. Chính quyền miền Nam thực sự bối rối và tìm cách để kháng cự cộng quân. Đất nước không may mắn là lúc nầy nội bộ thêm rối ren, các tướng lãnh thanh toán lẫn nhau rồi tìm đường trốn chạy ra khỏi nước để cho một vị Tổng Thống mới bù nhìn lên ngôi để rồi dâng trọn vẹn đất nước cho cộng sản trong lúc quân đội ta vẫn còn nguyên mà phải bỏ súng đầu hàng trong nhục nhã, đắng cay.
Lịch sử của miền Nam tự do đã sang trang mới, cả một dân tộc phải chìm đắm trong gọng kìm đói khổ của cộng sản gây ra. Tôi phải khăn gói vào tù cải tạo. Họ nói là đi học tập cải tạo 10 ngày, nhưng 10 ngày trôi qua cả thân xác và tâm hồn thì bị nhốt trong bốn bề rào kẽm gai nhiều lớp với súng đạn bao quanh của quân thù, chỉ chực xả đạn vào chúng tôi nếu anh em có ý định vượt trại hoặc chống lại chúng. nhiều cái connet được dựng lên để nhốt những anh em nào kiên cường chống lại chúng. Có anh em phải bỏ mạng vì anh dũng phỉ báng cộng sản. Những anh em nào đã có gia đình thì đành giữ im lặng để mong có ngày chúng thả mà trở về với gia đình sum họp vợ con.
Lao động khổ sai là căn bản của các trại cải tạo. Làm việc bằng tay chân thì nhiều nhưng khẩu phần ăn thì rất hạn chế, thậm chí ngày hai bữa cơm cũng không có mà ăn. Cộng sản chỉ phát mỗi ngày một người được 2/3 lon sữa bò gạo, nhưng thường chúng phát bobo hay bắp khô hoặc khoai mì. Ăn một thời gian, đa số anh em sinh bệnh. Đủ thứ bệnh trong trại cải tạo: ghẻ, kiết lỵ, phù thủng... Cũng may là vài năm sau chúng cho thân nhân, gia đình gửi quà, thuốc men nên sức khoẻ anh em khá hơn trước.
Trại cải tạo sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa được thành lập khắp cả miền đất nước. Tùy thuộc vào cấp bậc và chức vụ mà bọn cán bộ cộng sản phân loại để đưa anh em đi tù đày từ trong miền Nam ra tới miền Bắc. Thoạt đầu tôi được đưa tới Trảng Lớn, Tây Ninh. Nơi đây trước kia là một trại lính, nơi đóng quân của quân đội miền Nam. Chúng đã biến thành một trại tù vĩ đại chứa cả mấy ngàn tù cải tạo. Chúng bắt chúng tôi lấy kẽm gai mà trước đây dùng ngăn chặn kẻ thù Việt cộng xâm nhập sát hại chúng tôi để bao quanh nhốt giữ chúng tôi. Chúng bắt chúng tôi xây cất một hội trường rất to để tập họp chúng tôi ở đây, kể tội ác chúng tôi, ca ngợi sự hào hùng chiến thắng của chúng. Chúng bắt chúng tôi hát những bài ca ngợi chúng. Ôi thôi biết bao nhục nhã của kẻ thất trận! Có miệng, có tiếng nói lẽ phải sự thật mà không dám nói, lúc nào cũng phải ca tụng, nói tốt cho bọn chúng, nói láo theo bọn chúng thì chúng tôi mới được yên thân.
Tôi bị chuyển từ nhiều trại tập trung qua 6 năm ở tù, khởi đầu là Trảng Lớn, sau đó chuyển đến Suối Máu- Tam Hiệp, đếm Trảng Bom- Long Khánh rồi cuối cùng về Tống Lê Chân mới được chúng thả về đoàn tụ với gia đình. Tội nghiệp cho vợ tôi lặn lội đi khắp nơi nuôi chồng không quản công khó nhọc đường xa. Tôi không tưởng tượng được cảnh cái cò ốm yếu, một thân nuôi con nhỏ, chắc chiu từng xu, để dành từng ký gạo, đèo bồng chở trên chiếc xe đạp ọp ẹp vượt trên 30 cây số đường dài từ Saigon đến Tam Hiệp để chỉ thăm tôi trong vòng có mượi mười lăm phút đồng hồ rồi lặn lội trở lại Saigon trong ngày hôm ấy, mang theo bao nỗi đắng cay, nghiệt ngã... Tôi phải nói nơi lòng mình nỗi biết ơn và thương nàng biết mấy cho vừa!!!
Ngày được trả tự do về sum họp gia đình,vợ tôi là người đầu tiên tôi tìm gặp trong niềm vui mừng khó tả! Những ngày tháng kế tiếp là gánh nặng cho hai bên gia đình của ba má tôi và gia đình của vợ tôi vì tôi không có việc làm nên vợ chồng tôi nay thì ở bên ba má tôi, khi thì ở bên ba má vợ. Thế rồi tôi cũng kiếm được việc làm phụ thợ hồ, đồng lương rất ít ỏi, không đủ để lo cho gia đình. Ba má tôi hàng ngày lại la mắng đủ thứ chuyện, cảm thấy không thể sống chung được nữa, vợ chồng tôi phải ra riêng tự lập. Chúng tôi mướn một căn nhà nhỏ, mỗi tháng 40 đồng nhưng tiền điện tiền nước chúng tôi phải trả riêng. Căn nhà mướn nầy trước đây được làm lò bánh mì rồi sau đó trở thành nơi nuôi gà vịt. Đến khi chúng tôi tới ở nó trở nên là một ngôi nhà lá, che nắng chứ không thể che mưa. Căn nhà đủ để một cái giường mà ba má mua cho từ hồi mới cưới. Lúc ấy Phượng, con gái đầu lòng của chúng tôi đã được 5 tuổi cùng ngủ chung trên chiếc giường ấy. Không hiểu sao hồi ấy rệp ở đâu mà nhiều quá, chúng tha hồ mà hút máu cái thân thể ốm yếu thiếu ăn của 3 chúng tôi. Ba vợ tôi thấy tình cảnh khó khăn của vợ chồng tôi, ổng nhường cho tôi đạp xích lô mỗi buổi sáng sớm. Tôi đạp xe từ 3 giờ đến 6 giờ sáng thì mang xe về cho ổng rồi sửa soạn đi làm phụ hồ. Đặc biệt thứ bảy và chủ nhật ổng nhường cho tôi đạp cả ngày. Khi xe hư hay vỏ ruột hao mòn, ổng lãnh phần sửa chữa hết. Bây giờ nghỉ lại tôi thấy thương ổng quá! Tôi tặn tiện để dành cũng được ít tiềnvà mượn má tôi hai chỉ vàng để sắm xe làm ăn riêng không muốn làm phiền ba vợ tôi nữa. Từ ngày có chiếc xe xích lô mớ tôi càng vất vả mệt nhọc nhưng tôi kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi bỏ nghề làm phụ hồ vì tiền kiếm được ở nghề nầy quá ít. Rồi đến một ngày kia chủ nhà không cho chúng tôi mướn nhà nữa nên chúng tôi phải dọn ra. Ba vợ tôi lại một lần nữa phải bỏ công ngoại giao với những người có quyền thế ở địa phương để họ cho vợ chồng tôi cất một căn nhà nhỏ trên miếng đất bùn sình, lầy lội mà trước đây chẳng ai ngó ngàng tới. Vợ chồng tôi lại một lần nữa có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu nữ trang, ngay cả chiếc nhẫn cưới cũng lột ra để đổi thành tiền mua vật dụng xây cất nhà. Nhờ chiếc xích lô tôi chở về hết mọi thứ, từ cột kèo, mái tôn đến vách ván. Còn cái nền nhà thì tôi lượm gạch vụn bỏ lên xe về đổ sàn để đỡ bớt lầy lội. Căn nhà được làm với những vật dụng rất rẻ tiền, bên dưới che ván nhưng bên trên thì che bằng phên nên khi có mưa là cả nhà bị ướt hết. Ở nhà nầy chẳng bao lâu thì vợ tôi sing đứa con gái thứ hai là Trâm. Nghỉ hộ sản được hai tháng thì vợ tôi phải đi làm trở lại. Buổi sáng tôi ở nhà chăm sóc đứa con nhỏ, lại phải lo cơm nước, chờ đến buổi trưa vợ về là giao con lại, đẩy xe xích lô ra đi kiếm ăn đến chiều tối mới về. Mỗi cuối tuần tôi đều mang chút đỉnh tiền gửi ba má ăn bánh cho vui.
Cuộc đời thế là xoay vần qua tháng nầy năm nọ. Rồi chúng tôi lại có thêm đứa con gái thứ ba là Diệp. Từ đó gia đình lại thêm bận bịu , đông vui nhưng rất hạnh phúc. Vợ tôi mở lớp dạy kèm thêm mỗi buổi tối, học trò là lũ trẻ trong xóm và xóm lân cận. Trước thì thưa trẻ nhưng sau nầy phụ huynh gửi học rất đông. Căn nhà chỉ có một cái đi văng, trước đây ông hàng xóm không dùng, bỏ đi vì nó rất cũ kỹ, ván ở các cạnh mục nát,khe giữa của nó có kẻ hỡ rất to, rệp trốn trong đó để khi có ai nằm ngồi trên đó là nó ra chích hút máu. Bốn chân của nó thì hai chân đã bị gãy, tôi phải sửa lại hết tất cả. thế mà cái đi- văng nầy cũng hữu ích cho chúng tôi rất nhiều. Khách đến chúng tôi tiếp ở đây và cũng dùng để làm bàn viết cho học trò ngồi chung quanh. Lúc đầu khi mới cất nhà, tôi lặn lội mua từng miếng ván ngắn, giá rẻ để cất cái gác lững, khi ván rút khô nó vốn cong queo, đi lên ọp ẹp, kẽ hở mỗi ngày một to. Có thể nhìn thấy từ trên xuống dưới.
Khi mới cất nhà ở ven kênh Nhiêu Lộc, bên cạnh nhà tôi có hai anh em, cư ngụ nơi tôi mới cất nhà đã lâu. Thấy vợ chồng tôi ở từ hẽm ngoài vào dây sinh sống, họ có vẻ như không hài lòng, kiếm chuyện với vợ chồng tôi hoài, nhưng chúng tôi luôn giữ im lặng không cãi lại to tiếng làm gì. Ngày nào ông hàng xóm nầy cũng mượn rượu để sĩ vả, xiên xỏ vợ chồng tôi kể cả nửa đêm khuya họ cũng không để chúng tôi yên. Tôi biết thân phận mình trong xã hội cộng sản nầy. Tai mắt của mọi người xung quanh, luôn có tiếng tốt xấu về vợ chồng tôi lên bọn công an khu phố và những người điều hành trong tổ dân phố.
Thời gian qua rồi hắn cũng nguôi ngoai, không làm gì được chúng tôi nhưng khi gặp tôi vẫn chào hỏi và đôi khi mua cho vài gói thuốc, thái độ của ông ta cũng thay đổi dần và tỏ ra thân thiện với tôi. Bà em của ông hàng xóm nầy có 3 người con trai còn ở tuổi đi học nhưng vì nhà nghèo, cha mất sớm nên chẳng có đứa nào cắp sách đến trường. Một mình bà nầy phải nuôi 4 miệng ăn với gánh bắp và khoai lang luộc bán ở chợ Phú Nhuận ngày hai buổi sáng và chiều.
Cái lò nấu bắp của bà hầu như là lên lửa suốt ngày, lại sát bên vách ván của nhà tôi. Ban ngày tôi vất vả với con cái, với chiếc xích lô, tối tôi cần sự yên nghỉ nhưng khi hít khói ở lò bếp của bà là tôi thức dậy rồi. Để bảo vệ sức khoẻ cho gia đình, tôi phải đi mua hai cái quạt điện thật mạnh đểthổi khói ra khỏi nhà và tôi bít hết tất cả khe hở của nhà tôi với nhà bà. Nhưng khói thì ở đâu nó cũng chui vào được. Ôi thôi khổ ơi là khổ nhưng vợ chồng vẫn cố chịu đựng, không một lời than vãn...
Để bảo vệ sức khoẻ cho cả xóm, phường đã cho lập 1 cầu vệ sinh trên miếng đất trống mà tôi đã cất nhà trên đó. Họ đòi những nhà cất bất hợp pháp phải dọn đi nơi khác, vợ tôi phải viết một cái đơn nêu lên sự khó khăn của một giáo viên đang dạy học, hiện không có nhà ở, nếu dọn đi chúng tôi không biết phải ở đâu? Thế là họ chừa căn hộ của tôi và bà bán bắp không giải tỏa.
Khi nhà vệ sinh được dựng lên sát cạnh nhà tôi và ngay từ lúc bắt đầu sử dụng thì mùi hôi thúi đã loan tỏa khắp nơi và thêm một gia đình nhỏ nữa vì không nhà nên ở ké bên nhà vệ sinh. Hai vợ chồng nầy sinh sống bằng nghề bán phở trong hẽm. Ban ngày họ vất vả kiếm sống nhưng chiều tối thì vợ chồng con cái thay phiên nhau hát karaoke đến khuya một hai giờ cũng chưa dứt. Tôi nhét cả hai lỗ tai với hai cục bông gòn để được yên nhưng tiếng hát vẫn cứ văng vẳng bên tai như tra tấn tôi.
Thời gian trôi qua nhanh, sau khi tôi có thêm đứa con gái thứ ba thì càng thêm bận rộn. Đứa con gái lớn cũng giúp mẹ mỗi tối dạy kèm thêm các trẻ trong xóm, phụ may thêm đồ chợ lãnh về ở bên xóm kế cận. Cuộc sống gia đình có cải thiện hơn trước, tôi và vợ đi mua cái TV đen trắng để mỗi đêm xem tin tức, cải lương hay xem phim giải trí. Rồi đến lúc cần đi lại nhanhlẹ, chúng tôi dốc hết hầu bao dành dụm bấy lâu nay mua được chiếc xe gắn máy Honda cũ. Quê nội của vợ tôi ở Cù Lao Phố, Biên Hòa và sống ở đó từ khi còn nhỏ nên muốn về Biên Hòa thường xuyên để thăm cô Hai ở trên đó.
Chương trình HO được đăng trên báo chí cho những sĩ quan VNCH được làm hồ sơ đi định cư ở Mỹ. Anh em sĩ quan cũ được tin nầy rất mừng rỡ nhưng cũng có nhiều ngờ vực, không biết có thực sự hay không? Nhưng khi có một số anh em đã được xuất cảnh một cách tốt đẹp, lúc đó mọi người mới ùn ùn xin đơn, chầu chực trước sở ngoại vụ mỗi ngày một nhiều.
Trong hồ sơ xuất cảnh phải có bản chính giấy ra trại là quan trọng nhất. Nhưng bản chính giấy ra trại của tôi đã bị công an quận 3 giữ từ lúc tôi xin nhập hộ khẩu hơn 10 năm nay. Tôi không biết làm sao để tiến hành thủ tục làm hồ sơ xuất cảnh. Mọi người lần lượt ra đi còn gia đình tôi vẫn dậm chân tại chỗ, tôi cảm thấy khổ sở và đầy lo lắng. Thế rồi một ngày kia tôi đến thẳng phòng quản lý nhân khẩu quận 3 để xin lại bản chánh giấy ra trại và may mắn cho tôi, họ chấp thuận và lục tìm cho tôi. Khi ấy tôi tình cờ quen biết được với một anh bạn sĩ quan cải tạo như tôi, anh ấy rất tốt bụng, chỉ cho tôi cách làm hồ sơ và nơi chụp hình ảnh. Vợ chồng tôi đi đến sở ngoại vụ nhiều lần để nộp đơn. Để dễ dàng làm được giấy xuất cảnh tôi phải tốn một số tiền đút lót và tiền thủ tục hồ sơ. Khi qua được giai đoạn nầy tôi cảm thấy đường đi xuất cảnh được 60-70%, chỉ còn chờ giấy gọi phỏng vấn nữa là xong. Lúc bấy giờ tôi mới yên tâm làm ăn, tối đến tôi đi học thêm Anh ngữ, còn vợ tôi thì vẫn tiếp tục dạy học. Những tưởng khi nộp hồ sơ xuất cảnh thì vợ tôi phải nghỉ việc vì luật của cộng sản là vậy, nhưng may mắn thay ông hiệu trưởng là người tốt, chấp thuận cho vợ tôi được tiếp tục dạy học cho đến khi nào có giấy xuất cảnh mới nghỉ việc. Trong thời gian nầy, tối đến vợ tôi lại có thêm đông học trò, cả nhà rất bận rộn. Tôi gắn thêm đèn để căn nhà được sáng sủa hơn. Vợ tôi giới thiệu tôi dạy Anh văn vở lòng cho học sinh tại tư gia, tiền kiếm được hàng tháng khá hơn nên tôi không chạy xe xích lô nữa. Đem bán chiếc xe xích lô lấy vốn lại được hai chỉ vàng, trả lại cho má tôi vừa đúng số vàng mà tôi đã mượn trước kia.
Thời gian trôi qua, mãi đến tháng 10 năm 94 tôi mới nhận được giấy mời gặp phái đoàn phỏng vấn Mỹ, vợ chống tôi mừng rỡ vô cùng. Mọi việc suông sẻ, gia đình tôi được chấp thuận sang định cư ở Mỹ. Chờ đợi khám sức khoẻ và chích ngừa đầy đủ, đến tháng 7 năm 95 gia đình tôi mới lên máy bay đi Mỹ.
Đến nước Mỹ, mọi cái đều mới lạ đối với gia đình tôi. Anh chị Tư là chị em cô cậu với vợ tôi, bảo trợ cho gia đình tôi sang đây. Chị mướn sẵn một căn hộ cho chúng tôi ở gần với chị.
Ba má tôi lập gia đình khi tuổi còn khá trẻ: ba tôi 21 tuổi và má tôi 19 tuổi. Năm sau thì má tôi sinh ra anh hai của tôi, năm kế tiếp má tôi sanh ra tôi, như vậy anh tôi và tôi được gọi là “sanh năm một”. Lúc đó ba tôi là chân thư ký ở Tổng Nha Quan Thuế, còn má tôi buôn bán ngòai chợ Tân Định.
Bà Nội và cô Hai tôi ở Biên Hòa thấy em mình cực quá nên đề nghị ba má tôi đem hai anh em tôi về Biên Hòa để hai bà chăm sóc, từ đó tôi sống chung với bà nội và cô Hai. Chúng tôi gôi cô Hai là má Hai, xem như người mẹ thứ hai của tôi vậy. Bà đã có hai con gái nhưng vẫn thương chúng tôi như con ruột vậy.
Khi tôi lên 6 tuổi, bắt đầu vào trường hôc lớp năm (lớp 1) thì má tôi mới sinh em tôi. Từ lúc lọt lòng nó rất bụ bẫm dễ thương,da trắng hồng, tóc nhiều và đen nhánh.Cả nhà tôi ai cũng nâng niu bồng ẵm. Khi má Hai tôi đem về Biên Hòa để nuôi thì em tôi còn bé lắm nên chỉ bú sữa bột chứ không được bú sữa mẹ. Vậy mà em tôi ăn ngoan chóng lớn, không khóc nhè cũng không hay bệnh họan như anh tôi và tôi.
Ba năm sau đó má tôi sinh thêm một đứa em trai nữa, nó không được bụ bẫm như em kế tôi nhưng cũng dễ nuôi. Thế là bốn an hem chúng tôi chia thành hai cặp: anh tôi và tôi chơi chung thành một cặp, hai đứa em chơi chung do tuổi suýt soát nhau. Anh tôi là con trai còn tôi là con gái nên càng lớn chúng tôi ít chơi chung mà tìm bạn cùng phái với mình để dễ thân thiện hơn. Còn hai đứa em như hình với bóng mà thằng lớn thì luôn thương yêu và nhường nhịn thằng em nhỏ.
Chúng tôi ở với bà nội và má Hai thì ba má tôi vẫn tiếp tục công việc ở Saigon . Hàng tuần ba má tôi về Biên Hòa chiều thứ bảy, ngủ lại một đêm với cả nhà nội rồi đến chiều tối chủ nhật mới về lại Saigon . Lần nào về ba má tôi cũng mang theo nhiều thứ đồ ăn nên cuối tuần nào nhà nội cũng như ngày hội với tiếng cười nói rộn rã. Tôi thích nhất là nhà được ba tôi đốt đèn “măng xông” sang choang cả ngôi nhà, chả bù những ngày chúng tôi phải học bài hay sinh hoạt dưới ngọn đèn dầu tù mù với ánh sang vàng vọt.
Thằng Tư em tôi nó đeo theo má Hai tôi dữ lắm, lúc nào cũng quấn quýt bên bà, cả đến lúc má Hai tôi phải đi theo học lớp bình dân học vụ dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nó cũng theo bên chân, cùng đi học với má Hai tôi.
Lớn lên một chút, khoảng 5 tuổi, má Hai tôi cho nó đi học thêm để chuẩn bị vào lớp năm trường làng. Có một lần cả nhà cười nắc nẻ khi nó vừa đi học về tới nhà đã vội khoe: Má ơi cô giáo con khen con học “bết” quá, khiến cả nhà cười ồ lên. Sau đó má Hai tôi đã giải thích: bết là cô giáo chê chứ không phải khen, con nên ráng học để không bị cô giáo chê nữa.
Theo thời gian em tôi lớn dần, khi nó vào bậc trung học thì tôi phải về Saigon để theo học trường Quốc Gia Sư Phạm, chị em xa nhau từ đó. Tôi về sống với ba má còn em tôi vẫn ở Biên Hòa với nội và má Hai. Rồi tôi ra trường Sư Phạm,đi dạy học ở trường Nam Thủ Đức, sau đó tôi lấy chồng ở riêng. Lâu lâu chị em mới có dịp gặp gỡ nhau.
Sau tháng 4/75, chồng tôi phải vào trại tập trung cải tạo. Tôi trở về sống chung với ba má và con gái hãy còn nhỏ dại. Năm 78 em tôi bị đưa đi làm bộ đội tận miền cao nguyên xa xôi gọi là Cát Tiên, trên đường đi Đà Lạt và phải vào tận rừng sâu. Ba má tôi đã trèo đèo lội suối lên thăm con một lần. Sau đó nghe tin có một số bộ đội đào ngũ, tôi cùng má Haicũng lặn lội đi thăm em vào một ngày hè. Vượt chặng đường xa từ Saigon lên khỏi Long Khánh thì xuống ở một đoạn đường trên quốc lộ 20. Từ đó đón xe bộ đội đi sâu vào phía rừng núi để vào nơi em đang đóng quân. Xe đi trên đoạn đường mòn đất đỏ băng ngang rừng rậm rạp. Có đoạn xe phải lội qua con suối cạn vì không có cầu bắt ngang. Rồi xe cứ chạy, chạy mãi giữa rừng già. Tôi đã nghe những con gà rừng cất tiếng gáy trong không khí tĩnh mịch của núi rừng. Rồi xe qua phà ngang con sông mà người ta nói rằng có rất nhiều cá sấu ở dưới. Con song nầy bao bọc nơi em đóng quân và đã có vài người trốn đi bằng cách lội vượt qua con sông nhưng không may bị cá sấu tấn công để vĩnh viễn không có ngày trở về với gia đình.
Cái giá phải trả cho sự tự do là như thế đó!!!
Khi qua được bên kia sông thì trời đã tối mịt. Một người bộ đội đã dùng đèn pin rọi trên đường đi để dẩn má Hai và tôi vào trại thăm em. Gặp má Hai, em ôm chầm và khóc, cả ba má con đều khóc cho cuộc trùng phùng sau mấy tháng dài xa cách. Không ngờ em sống khổ như vậy, ở một nơi khỉ ho cò gáy, lắm muỗi mòng. Khi ngồi nói chuyện em đã không ngớt dùng quạt để đuổi những con ruồi cứ bu vào người má Hai và tôi rất khó chịu. Cả ba mẹ con cùng ăn chung một bữa cơm canh bắp cải và cá kho với nước muối vì không có nước mắm tiếp tế vào. Bộ đội phải tự canh tác để có thực phẩm nuôi sống chính mình, có cả một đội chuyên đi lưới cá về để cải thiện bữa ăn.
Năm 1979, chiến tranh xảy ra ở Cam Bốt, bộ đội bắc việt tấn công Khờ me đỏ để lấy lại chính quyền trong tay bọn Pôn Pốt. Nghe tin em sắp bị đưa quân sang Cam Bốt,cả nhà lo lắng không yên vì nghe báo đài nói về những trận đánh ác liệt với Khờ me đỏ mà cả hai bên đều bị thiệt hại nặng. Ba má chỉ biết thầm cẩu nguyện cho em được bình yên trở về sum họp với gia đình.
Một buổi chiều nắng tắt,thình lình em xuất hiện trước cửa nhà với bộ quần áo nông dân chứ không phải đồ bộ đội. Cả nhà ngạc nhiên, ba má ngỡ ngàng như đang trong giấc mơ, không biết cớ sự như thế nào? Em xin tiền ba má để trả cho người lái xe ôm từ Long khánh về Saigon , một quãng đường khá xa xôi và nguy hiểm. Em kể lại đã bỏ trốn trên đường chuyển quân sang Cam Bốt. Vào nhà dân mượn đồ để mặc và mượn cả đôi dép của họ để mang rồi nhờ xe ôm đưa về Saigon, đến tận nhà để xin ba má trả tiền xe. Cả nhà nmừng như bắt được vàng nhưng cũng khoắc khoải nỗi lo âu vì làm sao người ta để em yên khi bất thần em trở về nhà mà không có giấy tờ hợp lệ. May thay một đứa bạn thân cùng đơn vị, vì làm ở văn phòng nên không bị đi tác chiến, đã cho em một tờ giấy giải ngũ của một người khác mà chính tôi đã cẩn thận tỉ mỉ sửa lại tên để em có thể sử dụng trở về Biên Hòa xin nhập hộ khẩu. Trong thời gian chờ đợi để được chấp thuận, tôi đã thầm van vái Trời Phật cho mọi việc suông sẻ để em trở lại cuộc đời thường, không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Đến năm 2005, vợ chồng tôi trở về Việt Nam thăm lại gia đình sau đúng 10 năm làm lại cuộc đời trên đất Mỹ. Cùng với mọi người trong gia đình, em ra phi trường đón tôi, những dòng lệ nhạt nhòa mừng mừng tủi tủi cho buổi đoàn viên sau 10 năm xa cách. Ngoài những lúc đi làm, em luôn túc trực bên tôi, kể lại những chuyện thay đổi qua ngần ấy thời gian. Em cùng ăn sáng, ăn trưa, ăn tối với tôi bất kỳ lúc nào em có mặt ở nhà. Em chở tôi đi những nơi tôi cần đến cũng như về Cù Lao Phố Biên Hòa để thăm chị Ba và mồ mã Ông Bà. Ba tuần lễ ngắn ngủi trôi qua như cơn gió thoảng, tôi phải từ giã gia đình để trở lại Mỹ với công ăn việc làm. Ngay lúc mới về tôi đã tặng cho em chiếc nhẫn vàng của tôi đã mua từ lúc còn ở Việt Nam và đã gìn giữ suốt 10 năm trời đề em làm kỷ niệm, nhớ về người chị xa xứ. Khi trở về thấy em tuy nghèo, không ăn uống đầy đủ nhưng trông rất mập mạp, tôi đâm lo vì biết rằng em đang bệnh cao huyết áp mà lại thỉnh thoảng uống bia rượu nữa, điều đó thật không tốt. Tôi có khuyên em không nên uống rượu và cố gắng đi bộ để giảm huyết áp, em cũng gật đầu cho tôi vui bụng.
Mới đó mà đã 3 năm, lâu lâu tôi cũng có gọi về thăm hỏi, mọi người vẫn khỏe.
Rồi cuộc sống với cơm áo gạo tiền rất bận rộn, bên nầy cũng như bên kia, không có thì giờ để hỏi han nhau nhiều hơn. Có ngờ đâu do làm việc quá sức nên bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn mà em cứ ỷ lại không đi khám bệnh thường xuyên và uống thuốc đầy đủ nên mới ra nông nổi!!!
Một ngày mùa đông sau lễ Giáng Sinh 2008, tôi nhận được hung tin từ quê nhà sang báo rằng em đã bị đột quỵ trên đường đi làm tận Lái Thiêu. Người ta đưa em vào bệnh xá của quận rồi mới chở lên bệnh viện tỉnh. Thời gian kéo dài làm sao em còn đủ sức chịu đựng khi mạch máu ở não đã bị vỡ!!! với bệnh tai biến mạch máu não, người ta phải tranh đấu với sự sống từng phút từng giây, và em làm sao được cứu sống khi đem đến bệnh viện quá trễ mà lại không đầy đủ tiện nghi hiện đại. Phone qua phone lại, bên nhà cho rằng em còn sống nhưng đó là nhờ máy thở dưỡng khí chứ em đã thực sự ra đi trước khi bỏ ống oxy ra. Hồn phách em có lẽ còn dật dờ bên cạnh vợ con và người than. Em đã ra đi khi tuổi đời mới 50 và sự nghiệp vẫn còn dang dỡ…
Nghe kể lại rằng trước đó khoảng 1-2 tuần, khi đưa đám tang của một người cùng xóm lên tận nghĩa trang. Sau khi đã hạ huyệt và phủ đất lên, em còn đứng đó thẫn thờ nói với người bên cạnh rằng: tội nghiệp cho người vừa mới mất, khi tất cả mọi người ra về hết rồi thì phải ở lại cô đơn lạnh lẽo dưới lòng đất. Rồi em thở dài thương tiếc cho người vừa nằm xuống. Có ngờ đâu đó là những lời nói báo trước sự ra đi của em cũng hẩm hiu chung số phận…
Người nhà đã quyết định đưa em yên nghĩ ở Cù Lao Phố, nơi em đã lớn lên và có cả một thời thơ ấu bên gia đình với những kỷ niệm của ngày xưa thân ái. Em sẽ vĩnh viễn nằm lại ở phía sau chùa để hằng ngày nghe kinh kệ và sẽ được giải thoát sang một thế giới khác tốt đẹp hơn không có sự lo toan, buồn khổ,… nhất là sẽ được gặplại những người thân yêu đã từng chăm chút, thương yêu em trên quãng đường ô trọc nầy…
Vĩnh biệt em tôi với lòng thương nhớ khôn nguôi và giữ mãi những kỷ niệm của một thời chúng ta cùng chung sống, chia sẻ buồn vui với những người thân trong gia đình. Tiếc thương em, tôi đã cảm tác thành bài thơ với dòng lệ chảy dài, nghe lòng đau đớn xót xa nỗi đoạn trường…
Em Tôi
Khi mở mắt chào đời
Em bụ bẫm dễ thương,
Ba má đặt tên Phúc
Mong em tốt cả đời.
Từ ngày em còn thơ
Luôn vui vẻ hiền lành,
Cả nhà mọi người mến
Không làm phiền lòng ai.
Rồi thời gian qua mau
Xuân đến, mùa đông tàn.
Em giã từ đời lính
Đoàn tụ với gia đình.
Đến lúc tuổi thanh niên
Theo vận nước nổi trôi
Em đi vào bộ đội
Đóng quân miền xa xôi
Đã đến tuổi lập thân
Ba má lo hôn nhân
Gái trai con hai đứa
Tưởng đã yên tấm thân
Ở vào tuổi năm mươi
Em vẫn còn lận đận
Vợ, con hai vai gánh
Làm việc không nghỉ ngơi
Từ đất Mỹ xa xôi
Vào một ngày cuối năm
Bỗng được hay tin dữ
Bạo bệnh em qua đời.
Về thăm lại cố hương
Gặp lại người em thương
Không ngờ là lần cuối
Vĩnh biệt em, Phúc ơi!
Cuộc đời vốn dĩ vô thường, thấy đó rồi mất đó. Bởi số phần nên em ra đi sớm, để lại nỗi thương tiếc ngậm ngùi. Chị ở cách xa em nửa vòng trái đất nên không được thấy mặt và tiễn em lần cuối nhưng trong lòng chị mãi mãi vẫn còn hình bóng thân yêu của em với những kỷ niệm sẽ không nhạt nhòa theo năm tháng. Nhớ về em, chị đốt một nén hương cầu nguyện cho linh hồn em sớm được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng…