Những cánh cửa hé mở... Những dòng đời trôi theo một nhịp thiết tha, trôi theo mệnh nước, trôi theo phận người, trôi nổi bềnh bồng, chan chứa đam mê, đau khổ, và khát vọng trong ánh sáng chói lòa của tình yêu. Tình yêu, từ thuở hồng hoang, chỉ đơn thuần có hai màu trắng và đen.
Từ khi thi nhân tô màu hồng lên tình yêu, tình yêu bỗng bừng nở trên môi, trên má còn con gái, màu hồng phơn phớt của một loài hoa dễ thương, đẹp dịu dàng, đầy hương sắc, nhưng ẩn dấu không ít loài gai lửa... Tình yêu, dưới ngôn ngữ thơ, được nhà thơ nhân cách hóa với nàng thơ, với giai nhân, với hồng nhan tri kỷ, với chiếc áo dài, một cánh hoa, những nhan sắc thời danh...
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa (Phạm thiên Thư)
Núi ngủ lâu rồi em biết không
Tà áo em bay pha sắc hồng (Thái Thụy Vy)
Có một lần nào đó, thi nhân phết lên tình yêu một màu xanh, tình yêu bỗng trở nên tươi mát, trẻ trung dầy sức sống của một thời xuân sắc, màu xanh của những dấu yêu, của hi vọng, đã đưa tình yêu vào cõi bất tận, vào dòng sông bất tử của tình sử...
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím (Nguyên Sa)
Xuân thu nhị kỳ, tình yêu, thêm một lần nữa, được thi nhân dệt áo lụa ngà, màu của những mùa hè e ấp vấn vương, màu đỏ của màu hoa thương nhớ len nhẹ tâm tư của thuở tình đầu, của yêu đương vụng dại. Tình yêu biến đổi theo mùa, bỗng rực lên với khát khao, với những thức thao...
Bãi cỏ mật ven đê, hoa cỏ may cào cấu
Gốc gạo già hoa đỏ, cánh diều bay (Diễm Kim Loan)
Xin đừng hát nữa loài hoa đỏ
Một thuở xa rồi ngưng tiếng ve (Thái Thụy Vy)
Màu vàng. Trời ơi ! "Thư em ướp nụ lan vàng. Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa" (Phạm thiên Thư). Thi nhân lại cặm cụi pha màu cho tình yêu rợp với cánh đồng hoa dại theo bén gót chân đi, màu vàng của yêu đương quấn quýt, quyện hương dan díu của hoàng lan bông chúa, màu vàng hoa thiên lý, lòai hoa ngây thơ, mới biết mộng mơ, màu vàng áo hoàng anh lộng nắng vẫy mời một hạnh phúc mong manh...
Giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
Tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa (Nguyễn tất Nhiên)
Mùa thu xẻ ngõ lầy vết xe thổ mộ
Hoa cúc mở toang những cánh cửa vàng (Tô Thùy Yên)
Trên cánh đồng hoang hoa nở vàng
Loài hoa theo nắng, nắng lang thang (Thái Thụy Vy)
Đến lúc những mộng mơ thay đổi cung điệu, tình yêu lại được thi nhân cho khoác lên gam độ sắc tím. Màu tím lãng mạn của những ngày ái ân hoang dại, tím nỗi thương niềm nhớ, tím phai phai gợn ráng chiều, tím những lượn sóng tình chết lịm trên bãi cát vàng vào một buổi hoàng hôn nào đó từ huyền kiếp. Tím loài lan dại đến từ khói sương, tím một loài hoa trôi nổi, nổi trôi, một đời du mục không bến không bờ, tím phù du của các loài hoa dại trên cánh đồng hoang, và tím bằng một màu áo đơm bằng những năm tháng thiết tha, tha thiết...
Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa thao thức gọi nửa im lặng chờ (Phạm Thiên Thư)
Em pha giọt nắng vào ly
Mùa thu chậm bước chân đi cuối trời
Lửa phong thắp sáng cõi đời
Lá thay áo tím xuống đồi ngủ yên (Thái Thụy Vy)
Theo vòng sinh hóa của trời đất, với sự chuyển hóa của hai vầng nhật nguyệt và các vì tinh đẩu, tình yêu, với tất cả màu sắc kết hợp lại trên kính quang phổ, trên cầu vồng, vẫn là tinh túy của màu trắng bất tử, màu trắng của tuổi học trò, áo cưới và áo tang...
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Chiều nay dở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh (Phạm Thiên Thư)
Thảm cỏ mùa này trải thảm hoa
Hai cánh tay em trắng ngọc ngà
Nâng từng cánh trắng vương màu nắng
Run rẩy gió về, nắng kiêu sa (Thái Thụy Vy)
Theo nhịp cuối cùng của vòng sinh hóa, màu trắng của tình yêu rồi có một ngày phải nhường lại cho màu đen vĩnh cửu...
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không ? (Bùi Giáng)
Theo nhịp mỗi chu kỳ của dòng đời, những thanh, sắc, hương của một đời con gái, thì thi nhân còn giữ lại được những gì ? Khi tình yêu, nếu không gãy đổ nửa đường, hay vào đoạn cuối của cuộc đời ?
Đó là vấn nạn muôn đời để đời người và người đời ưu tư và suy ngẫm.
Cát bụi lại trở về với cát bụi, thi nhân là những người mượn lời thơ để lại những ánh sáng lung linh của tình yêu tan vỡ sau khi các vì tinh tú đã tắt, và chỉ còn có mình thi nhân làm bất tử tiếng sóng gào sau khi biển đã chết lặng theo cuộc tình...
Qua hồn thi nhân, chúng ta sẽ còn nghe mãi tiếng rơi cô đọng của giọt sương khi ánh hồng bao lần ló dạng và bao lần lặn mất tăm vào cõi u minh. Nhờ còn hồn thi nhân mà chúng ta còn nghe tiếng lục bình trôi khi sóng nước phù sa cuốn trôi loài hoa tím lang thang du mục vào biển cả...
Còn có hồn thi nhân, chúng ta còn nghe được chiếc lá thu lìa cuống xào xạc trên thềm hoang. Nhờ hồn thi nhân chúng ta còn nghe được dòng sữa trên gân lá vẫn rạo rực chảy khi chiếc lá đã nằm trên nấm mồ xanh cỏ, mặt lá vẫn bừng lên nhiễm sắc tố được ánh mặt trời gửi gấm. Và nhờ có thi nhân, chúng ta còn nghe được tiếng thở dài của gió luồn qua kẽ tóc của người yêu dấu khi những áng mây dĩ vãng dấu yêu đã trôi xa, thật xa...
Nhờ có hồn thi nhân viết lên các vần thơ mà "người đời mai đây có thể bỏ chúng, nhưng chúng không khi nào bỏ người đời".
Hỡi thi nhân, những con linh điểu trọc đầu, ngày đêm tha đá lấp sầu đại dương, tìm cách "hàn gắn cái Muôn Nơi Muôn Thuở, luôn luôn dang dở" trong tình yêu, để nhân loại "cảm nhiễm những nét đẹp thâm trầm ẩn dấu trong cuộc sống, cảm nhiễm cái sầu muộn mông mênh, những cái đẹp không phai trong văn chương". Nói theo nhà phê bình Joseph Huỳnh Văn:"Những lời thơ là chốn đi về của hồn thiên cổ...đã thiên cổ và mãi mãi thiên cổ".
Arlington,VA.1994
Thái Thụy Vy
No comments:
Post a Comment