Tuesday, December 27, 2011

LỜI CỦA LÁ MÙA ĐÔNG



Chiếc lá vàng trước khi rơi xuống đất

Kịp nói với em vài tiếng tạ từ

Thôi chào nhé vòm trời xanh bát ngát

Khung cửa hồng và cô bé mộng mơ.

Thưở mới là một nhỏ nhoi lộc biếc

Tôi đã mến em, cô bé tóc dài

Hay nhìn tôi bằng mắt xinh một mí

Và nụ cười răng khểnh ngó hay hay.

Tôi đã lớn lên cùng mưa nắng gió

Tươi tắn bốn mùa xuân, hạ, thu, đông

Đã cùng em vui bên khung cửa sổ

Đến hôm nay đã tới hạn lìa cành.

Lá vàng rơi là chuyện thường em nhỉ

Cũng giống như trăng lúc tận lúc rằm

Hãy nhặt lên và ép vào trang vở

Thật nồng nàn hương lá ngủ âm thầm.

HÀ THU THỦY

Chuyện Giáng Sinh, Chuyện Thường Ngày








Lễ Giáng Sinh thường được kể như một câu chuyện thần tiên. Và dĩ nhiên, cũng như mọi câu chuyện thần tiên, Lễ Giáng sinh dễ được thi vị hóa. Chúa Giêsu đã chào đời trong Ánh Sáng rực rỡ của Đêm Belem. Trong máng cỏ có súc vật quì thở mang lại hơi ấm. Trên không trung có tiếng đàn ca của các thiên sứ. Câu chuyện ấy lại càng trở nên huyền hoặc hơn với hình ảnh của Santa Claus hay ông Già Noel mỗi năm từ một xứ tuyết xa xôi nào đó ở Bắc Cực cỡi chiếc xe được kéo bởi một bầy sơn dương mang đến vô số quà tặng cho trẻ con và người lớn. Câu chuyện Giáng Sinh lại càng thơ mộng hơn với Cây Thông đầy tuyết và những ngôi sao lấp lánh mọc lên khắp nơi.

Khung cảnh mộng mơ và lãng mạn ấy dễ làm cho người ta quên đi cái thực tế rất là “đời thường” của Giáng Sinh. Hãy thử tưởng tượng nỗi lo lắng của cặp vợ chồng trẻ nghèo phải vất vả tìm một chỗ qua đêm ở chốn xa lạ mà chẳng được ai mở cửa đón tiếp. Hãy thử tưởng tượng cái cảnh dơ bẩn và hôi thối của một chuồng súc vật. Chính đó là nơi mà người vợ buộc lòng cho đứa con của mình chào đời! Chính trong khung cảnh đó mà một trẻ thơ được sinh ra và bầu khí ấm cúng của gia đình được thành hình. Khung cảnh ấy, dù sang giàu hay nghèo hèn, cũng đều giống nhau bởi vì đó là thực tế của cuộc sống.

Như vậy, câu chuyện Giáng Sinh thiết yếu cũng là câu chuyện hàng ngày trong cuộc sống con người. Có vất vả, sầu đau. Có lo lắng, vui mừng. Có chia cách, đoàn tụ.

Câu chuyện đoàn tụ của cặp vợ chồng già trong đêm Giáng Sinh là tiêu biểu của vô số những chia ly, cách trở, mong đợi, tìm kiếm và đoàn tụ trong cuộc sống con người. Như tấm khăn trải bàn của cụ bà, câu chuyện được dệt lên từ nhiều tình tiết vốn cũng là chuyện mỗi ngày: ngôi nhà thờ xuống cấp vì vắng người, nỗ lực hy sinh của vợ chồng vị mục sư trong những ngày chuẩn bị Lễ Giáng Sinh, phiên chợ từ thiện với trăm thứ lỉnh kỉnh được mang ra bán với hy vọng góp một tay vào việc giúp đỡ những người túng thiếu, một cụ bà lỡ chuyến xe buýt được mời vào bên trong nhà thờ để sưởi ấm, một cụ ông đơn chiếc được chở đi một vòng trong đêm Giáng Sinh...Cuộc hội ngộ bất ngờ và kỳ thú là đỉnh điểm và hội tụ của những chuyện “đời thường” ấy.

Chuyện Giáng sinh là chuyện thường ngày đã trở thành bất tử, cho nên bất cứ điều gì được nhìn trong Ánh Sáng của Giáng Sinh cũng trở thành bất tử. Chẳng có bài thánh ca nào đơn giản về âm nhạc lẫn ca từ cho bằng bài “Silent Night” (Đêm thánh vô cùng). Vậy mà bao lâu trên trái đất này còn có lễ Giáng Sinh thì chắc chắn mọi người trên thế giới, nếu không lắng nghe thì cũng cất hát lên bài thánh ca này. Riêng với người công giáo Việt nam thì, dù có lưu lạc ở đâu, bao lâu còn mừng lễ Giáng Sinh, ngay cả giữa mùa hè nóng chảy lửa như ở Úc đại lợi, bài thánh ca “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” vẫn mãi mãi được hát lên. Giáng Sinh đã làm cho những cái đơn sơ nhứt trở thành bất tử.

Trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là một “Trẻ Thơ”. Từ ngàn xưa, một vị ngôn sứ của dân tộc Israel đã loan báo “Một Trẻ Thơ đã được ban tặng cho chúng ta”. Đây cũng chính là điều được thiên sứ lập lại trong đêm Giáng Sinh: “Ta báo cho các ngươi một tin vui: một hài nhi đã chào đời”. Dù tin hay không, đã mừng Giáng Sinh thì ít nhứt cũng phải tin có một Em Bé đã chào đời. Em Bé ấy đã được ban tặng cho con người để, như lời dạy của chính Chúa Giêsu, con người cũng phải trở nên như em bé để được vào Nước Trời.

Trong văn hóa nào, trẻ thơ cũng luôn là biểu tượng của hồn nhiên, trong trắng, ngây thơ. Không có trẻ thơ, ai sẽ nhắc nhở chúng ta về sự hiện hữu của Ông Già Noel, của sự tử tế, tấm lòng quảng đại, vị tha và chia sẻ. Không có trẻ thơ, ai sẽ mở mắt chúng ta để không ngừng biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống.

Mỗi năm, lễ Giáng Sinh trở về để đánh thức Em Bé trong mỗi người chúng ta. Với em bé ấy, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước trong cuộc sống với đôi mắt lúc nào cũng mở lớn để chiêm ngưỡng những điều vĩ đại trong thực tế của cuộc sống mỗi ngày. Văn hào Pháp Marcel Proust đã từng nói “cuộc thám hiểm thật sự không phải là tìm kiếm những vùng đất mới, mà chính là có được đôi mắt mới.” (trích trong “The Power of Small” của Linda Kaplan và Robin Koval)

Mỗi ngày, tôi đã thử làm cuộc “thám hiểm” đó trong khu vườn nhỏ sau nhà tôi. Cố gắng nhìn thiên nhiên bằng “đôi mắt mới”, mỗi ngày tôi khám phá ra không biết bao nhiêu điều mới lạ. Tôi hiểu được tâm trạng hơi “bất thường”, nếu không nói là thật “trẻ con” của ông bạn tôi: chuẩn bị về hưu, ông khệ nệ “rước” một tổ ong về nuôi thử. Định nếu khấm khá sẽ nuôi thêm để có chút tiền đi du lịch. Những ngày đầu tiên, đã 9-10 giờ tối mà bạn tôi vẫn hăm hở đốt đèn lên, lò mò ra tổ ong để gọi là “chiêm ngắm” những điều kỳ thú trong xã hội loài ong.

Có những ngày, tôi cũng đã từng đứng hàng giờ như thế để ngắm cá bơi, ngắm bông hoa và cây trái trong vườn. Đọc sách có thể chán. Viết lách có thể cạn ý. Nhưng tôi có thể đứng “thừ người” trước thiên nhiên mà không thấy mỏi mệt.

“Đứa trẻ” trong tôi không những cho tôi những giây phút “ngất ngây” trước thiên nhiên, mà cũng mời gọi tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để nhận ra bao điều kỳ diệu trong cuộc sống mỗi ngày, nhứt là trong những quan hệ và gặp gỡ với người khác. Cái lý trí hẹp hòi, dễ có thành kiến và thiển cận của tôi không thể nào hiểu được cái thế giới đầy bí ẩn của bất cứ người nào tôi gặp gỡ. Tôi chỉ có thể cố gắng đi vào đó bằng ánh mắt “chiêm ngắm” và nhứt là cảm thông và tha thứ.

Sinh ra trong một gia đình công giáo, tôi đã từng nghe nói đến ông Già Noel. Từ lúc nhỏ cho đến giờ, tôi chưa từng được ông Già Noel nào chiếu cố đến. Tôi cũng chưa bao giờ mơ hay mong được ông Già Noel đêm đêm lén bỏ quà vào chiếc vớ đặt ở cuối giường. Vả lại, suốt tuổi thơ, tôi chỉ biết đi chân đất thì làm gì có vớ để ông Già Noel cho quà vào đó. Vậy mà bây giờ, khi bắt đầu bước từng bước mỏi mệt xuống bên kia đồi của cuộc sống, tôi lại tin có ông Già Noel. Nhờ ông mà tôi luôn cố gắng để mở to đôi mắt trẻ thơ hầu nhận ra Ánh Sáng hy vọng, vui tươi và an bình trong cuộc sống “đời thường” mỗi ngày. Tôi thấy có lẽ ông già Noel là người hạnh phúc nhứt trên đời này, vì lẽ ông được nhìn thấy bao nhiêu giọt lệ sung sướng của người khác. Vì vậy, tôi cũng muốn “nhập vai” của ông mỗi khi có thể. Nhìn người khác vui vì một cử chỉ nhỏ của mình là một phần thưởng lớn nhứt cho tôi.

Có thể nói: “Một câu chuyện đời thường tuyệt diệu không nhứt thiết phải là một câu chuyện mới lạ, mà chính là câu chuyện tầm thường với một kết cục “có hậu”.

Không ai có thể viết nên câu chuyện đời cho người khác nhưng vẫn có thể góp phần đưa đến có một kết thúc “có hậu” tốt đẹp như những câu chuyện Giáng sinh.

Chu Thập

Monday, December 12, 2011

Cảm Tác













Cuộc đời như áng mây bay
V
nơi xứ lạ... tháng ngày buồn tênh...
M
ột mình trên đỉnh chênh vênh
MỘT THỜI ĐỂ NH
... để quên ngậm ngùi...
LỊCH SỬ CÒN ĐÓ... ai ơi,
Âm thầm ghi chép, lưu đời về sau...
Còn mang chung một niềm đau
Làm sao xóa được nỗi sầu thời gian ???
Ôi, HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM...
Và bao năm nữa ngổn ngang nỗi buồn
Ôi quê hương!... ôi quê hương...!

THY LỆ TRANG
MASSACHUSETTS

Sunday, December 11, 2011

Nghiêng Tháng Mười Hai










Em về với tháng mười hai
Đôi tà hương lượn tóc cài Giáng Sinh
Hồn tôi thắp nến lung linh
Trái tim xưng những tội tình yêu em

Chuông xa xa vọng leng keng
Rung theo nhịp bước Nô En ông già
Tôi như đứa trẻ măng hoa
Lòng nao nức đợi món quà nửa đêm

Xin em mấy sợi tóc mềm
Kết chùm sao sáng giăng thềm cây thông
Trên cao thánh giá đứng trông
Câu kinh cầu nguyện tin mừng thế gian

Trót ăn trái cấm địa đàng
Tình tôi ngày tháng lang thang bên người
Em về tóc gió buông lơi
Lòng tôi dìu dặt những lời đồng ca

Trầm Vân


Hồn Thi Nhân








Những cánh cửa hé mở... Những dòng đời trôi theo một nhịp thiết tha, trôi theo mệnh nước, trôi theo phận người, trôi nổi bềnh bồng, chan chứa đam mê, đau khổ, và khát vọng trong ánh sáng chói lòa của tình yêu. Tình yêu, từ thuở hồng hoang, chỉ đơn thuần có hai màu trắng và đen.

Từ khi thi nhân tô màu hồng lên tình yêu, tình yêu bỗng bừng nở trên môi, trên má còn con gái, màu hồng phơn phớt của một loài hoa dễ thương, đẹp dịu dàng, đầy hương sắc, nhưng ẩn dấu không ít loài gai lửa... Tình yêu, dưới ngôn ngữ thơ, được nhà thơ nhân cách hóa với nàng thơ, với giai nhân, với hồng nhan tri kỷ, với chiếc áo dài, một cánh hoa, những nhan sắc thời danh...

Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
(Phạm thiên Thư)

Núi ngủ lâu rồi em biết không
Tà áo em bay pha sắc hồng
(Thái Thụy Vy)

Có một lần nào đó, thi nhân phết lên tình yêu một màu xanh, tình yêu bỗng trở nên tươi mát, trẻ trung dầy sức sống của một thời xuân sắc, màu xanh của những dấu yêu, của hi vọng, đã đưa tình yêu vào cõi bất tận, vào dòng sông bất tử của tình sử...

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím
(Nguyên Sa)

Xuân thu nhị kỳ, tình yêu, thêm một lần nữa, được thi nhân dệt áo lụa ngà, màu của những mùa hè e ấp vấn vương, màu đỏ của màu hoa thương nhớ len nhẹ tâm tư của thuở tình đầu, của yêu đương vụng dại. Tình yêu biến đổi theo mùa, bỗng rực lên với khát khao, với những thức thao...

Bãi cỏ mật ven đê, hoa cỏ may cào cấu
Gốc gạo già hoa đỏ, cánh diều bay
(Diễm Kim Loan)

Xin đừng hát nữa loài hoa đỏ
Một thuở xa rồi ngưng tiếng ve
(Thái Thụy Vy)

Màu vàng. Trời ơi ! "Thư em ướp nụ lan vàng. Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa" (Phạm thiên Thư). Thi nhân lại cặm cụi pha màu cho tình yêu rợp với cánh đồng hoa dại theo bén gót chân đi, màu vàng của yêu đương quấn quýt, quyện hương dan díu của hoàng lan bông chúa, màu vàng hoa thiên lý, lòai hoa ngây thơ, mới biết mộng mơ, màu vàng áo hoàng anh lộng nắng vẫy mời một hạnh phúc mong manh...

Giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
Tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa
(Nguyễn tất Nhiên)

Mùa thu xẻ ngõ lầy vết xe thổ mộ
Hoa cúc mở toang những cánh cửa vàng
(Tô Thùy Yên)

Trên cánh đồng hoang hoa nở vàng
Loài hoa theo nắng, nắng lang thang
(Thái Thụy Vy)

Đến lúc những mộng mơ thay đổi cung điệu, tình yêu lại được thi nhân cho khoác lên gam độ sắc tím. Màu tím lãng mạn của những ngày ái ân hoang dại, tím nỗi thương niềm nhớ, tím phai phai gợn ráng chiều, tím những lượn sóng tình chết lịm trên bãi cát vàng vào một buổi hoàng hôn nào đó từ huyền kiếp. Tím loài lan dại đến từ khói sương, tím một loài hoa trôi nổi, nổi trôi, một đời du mục không bến không bờ, tím phù du của các loài hoa dại trên cánh đồng hoang, và tím bằng một màu áo đơm bằng những năm tháng thiết tha, tha thiết...

Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa thao thức gọi nửa im lặng chờ
(Phạm Thiên Thư)

Em pha giọt nắng vào ly
Mùa thu chậm bước chân đi cuối trời
Lửa phong thắp sáng cõi đời
Lá thay áo tím xuống đồi ngủ yên
(Thái Thụy Vy)

Theo vòng sinh hóa của trời đất, với sự chuyển hóa của hai vầng nhật nguyệt và các vì tinh đẩu, tình yêu, với tất cả màu sắc kết hợp lại trên kính quang phổ, trên cầu vồng, vẫn là tinh túy của màu trắng bất tử, màu trắng của tuổi học trò, áo cưới và áo tang...

Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Chiều nay dở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh
(Phạm Thiên Thư)

Thảm cỏ mùa này trải thảm hoa
Hai cánh tay em trắng ngọc ngà
Nâng từng cánh trắng vương màu nắng
Run rẩy gió về, nắng kiêu sa
(Thái Thụy Vy)

Theo nhịp cuối cùng của vòng sinh hóa, màu trắng của tình yêu rồi có một ngày phải nhường lại cho màu đen vĩnh cửu...

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không ?
(Bùi Giáng)

Theo nhịp mỗi chu kỳ của dòng đời, những thanh, sắc, hương của một đời con gái, thì thi nhân còn giữ lại được những gì ? Khi tình yêu, nếu không gãy đổ nửa đường, hay vào đoạn cuối của cuộc đời ?

Đó là vấn nạn muôn đời để đời người và người đời ưu tư và suy ngẫm.

Cát bụi lại trở về với cát bụi, thi nhân là những người mượn lời thơ để lại những ánh sáng lung linh của tình yêu tan vỡ sau khi các vì tinh tú đã tắt, và chỉ còn có mình thi nhân làm bất tử tiếng sóng gào sau khi biển đã chết lặng theo cuộc tình...

Qua hồn thi nhân, chúng ta sẽ còn nghe mãi tiếng rơi cô đọng của giọt sương khi ánh hồng bao lần ló dạng và bao lần lặn mất tăm vào cõi u minh. Nhờ còn hồn thi nhân mà chúng ta còn nghe tiếng lục bình trôi khi sóng nước phù sa cuốn trôi loài hoa tím lang thang du mục vào biển cả...

Còn có hồn thi nhân, chúng ta còn nghe được chiếc lá thu lìa cuống xào xạc trên thềm hoang. Nhờ hồn thi nhân chúng ta còn nghe được dòng sữa trên gân lá vẫn rạo rực chảy khi chiếc lá đã nằm trên nấm mồ xanh cỏ, mặt lá vẫn bừng lên nhiễm sắc tố được ánh mặt trời gửi gấm. Và nhờ có thi nhân, chúng ta còn nghe được tiếng thở dài của gió luồn qua kẽ tóc của người yêu dấu khi những áng mây dĩ vãng dấu yêu đã trôi xa, thật xa...

Nhờ có hồn thi nhân viết lên các vần thơ mà "người đời mai đây có thể bỏ chúng, nhưng chúng không khi nào bỏ người đời".

Hỡi thi nhân, những con linh điểu trọc đầu, ngày đêm tha đá lấp sầu đại dương, tìm cách "hàn gắn cái Muôn Nơi Muôn Thuở, luôn luôn dang dở" trong tình yêu, để nhân loại "cảm nhiễm những nét đẹp thâm trầm ẩn dấu trong cuộc sống, cảm nhiễm cái sầu muộn mông mênh, những cái đẹp không phai trong văn chương". Nói theo nhà phê bình Joseph Huỳnh Văn:"Những lời thơ là chốn đi về của hồn thiên cổ...đã thiên cổ và mãi mãi thiên cổ".

Arlington,VA.1994

Thái Thụy Vy