Sunday, July 24, 2011

Niềm Vui Tương Ngộ











Hội ngộ Ngô Quyền vui biết bao!

Cùng nhau nhắc nhớ chuyện năm nào...

Châu, Hồng, Hoa, Hạnh duyên tương ngộ

Bốn thập niên dài gặp lại nhau.

Mừng mừng tủi tủi, vòng tay ấm

Nói nói cười cười, dạ xuyến xao.

Rưng rưng giọt lệ giờ tạm biệt

Chia tay, hẹn tái ngộ lần sau...

Hát Bình Phương

Nhừng Dòng Lưu Bút Ngày Xanh












Quê tôi ở Cù Lao Phố, một địa danh của xứ bưởi Biên Hòa. Sau khi học hết bậc tiểu học ở ngôi trường làng Hiệp Hòa, tôi dự kỳ thi tuyển vào đệ thất của trường Ngô Quyền và may mắn được trúng tuyển vào lớp đệ Thất 1 niên khóa 1964 -1965. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên nhập học được Ba chở đến trường trên chiếc xe Vespa cũ kỹ. Ba chạy chậm và chỉ tôi cách đón xe Lam để bắt đầu ngày mai tự đi học một mình vì Ba phải trở về Saigon để đi làm. Lần đầu tiên mặc chiếc áo dài vải trắng, quần satin đen bóng, đầu đội nón lá, chân mang guốc, hai tà áo dài tha thướt, tôi nghe trong lòng một niềm vui và hãnh diện thật khó tả! Đó cũng là ngày đầu tiên của thời nữ sinh trung học đầy thơ mộng.

Trong số các bạn nữ sinh cùng chọn sinh ngữ Pháp văn ở lớp đệ Thất 1 có vài bạn cùng học chung bậc tiểu học nên tôi cảm thấy đỡ đơn độc. Một số bạn từ Chợ Đồn,Tân Vạn, Bửu Long, Phúc Hải, Hố Nai, Tam Hiệp... cũng được học ở đây. Đa số các bạn trong lớp là người ở ngay thành phố Biên Hòa nên đi học vừa gần nhà lại không bỡ ngỡ như chúng tôi từ làng quê ra tỉnh. Nhờ có bản đồ lớp và tuổi trẻ dễ thân thiện nên chúng tôi sớm biết mặt biết tên trong một thời gian ngắn. Theo tháng năm, chúng tôi lần lượt bước qua lớp đệ Lục 1, Ngũ 1 rồi đến Tứ 1, lớp cuối cùng của bậc trung học đệ nhất cấp.

Mùa hè năm 1968, sau Tết Mậu Thân, tình hình đất nước có nhiều chuyển biến và thay đổi. Đó cũng là năm cuối ngồi chung lớp suốt bốn năm dài vì sang năm tới sẽ học theo phân ban A, B, C tùy môn học được lựa chọn nên có thể phân tán ra nhiều lớp khác nhau. Thêm nữa, một số bạn vì hoàn cảnh gia đình, phải nghỉ học ở nhà không còn tiếp tục đến trường. Thế là không ai bảo ai, một số bạn tự làm quyển Lưu Bút Lưu Ảnh cho riêng mình để làm kỷ niệm của thời học sinh đầy hoa mộng, tôi cũng thực hiện một quyển Lưu Bút như vậy. Nhờ đó mà đến hôm nay, sau hơn 40 năm dài, tôi vẫn còn trong tay quyển Lưu Bút ghi lại kỷ niệm của những ngày xa xưa ấy. Quyển Lưu Bút thân thương đã theo tôi từ Biên Hòa về Saigon rồi từ Việt Nam sang Mỹ để nhắc nhớ bao kỷ niệm của những ngày xưa thân ái cũ…

Quyển Lưu Bút Ngày Xanh của tôi bây giờ đã cũ, màu giấy trắng năm xưa chuyển sang vàng nhạt, nét mực tím, mực xanh cũng đã phai màu. Những tấm ảnh trắng đen không còn sắc nét mà cũng nhạt phai theo năm tháng. Nhìn những hình ảnh thơ ngây, những nét chữ thân thương mà bạn tôi ngày ấy đã nắn nót viết để dành tặng riêng tôi, lòng tôi bồi hồi xúc động, tôi mơ màng thấy mình trở về với lớp học năm xưa và ngôi trường cũ… Hình ảnh và nét chữ còn đây mà bạn bè tôi đã trôi giạt ở nơi nào? Thôi thì xin ghi lại những dòng lưu bút của các bạn đã viết cho tôi với những lời lẽ mộc mạc đơn sơ nhưng đầy chân tình của những nữ sinh đang ở tuổi mộng mơ của một thời áo trắng.

Trần Thị Dung, cô bạn có khuôn mặt tròn trĩnh, viết văn hay: “Kỷ niệm là cuốn phim dĩ vãng của từng khuôn mặt đó, từng lời nói đó. Sống là phải chấp nhận sự chia ly, dang dở để buồn tiếc và nhớ thương hay gì chăng nữa thì kiếp học trò đâu ở mãi trong mình…”

Lê Thị Tiết, cô bạn học chung bậc tiểu học trường làng: “Rồi một ngày kia, một ngày không xa lắm, mình sẽ xa nhau và chừng ấy tất cả những kỷ niệm lại hiện về đủ đầy trong ký ức và nó sẽ làm cho mình nhớ tiếc, thèm thuồng vì kỷ niệm bao giờ cũng đẹp…”

Trần Thị Hiếu, cô bé nghiêm nghị, ít nói và hay mắc cỡ: “Kỷ niệm phải chăng là tiếng vang của tâm hồn, là dư âm ngày cũ, nơi đó hội họp đầy đủ những người thân yêu, những gì đáng ghi nhớ, vui buồn lẫn lộn nhưng nó không ở mãi với thời gian mà sẽ dần phai theo năm tháng…”

Trần Thị Thúy Nga, cô bạn lớp trưởng, lúc nào cũng cười: “Biết viết gì đây, nói gì đây, chỉ có tình bạn chân thật là quý và lưu lại cho nhau những gì mà mình gọi là kỷ niệm…”

Trần Thị Lan, cô bạn ngồi cạnh năm đệ Thất, ít nói nhưng rất dễ thương: “Lan chỉ có những dòng chữ viết vào đây để nói lên tình bạn chân thành của chúng ta vì ngày mai đây khi chia tay nhau, mỗi người mỗi nơi, biết có còn gặp nhau nữa hay không?...”

Nguyễn Mỹ Châu, cô bạn ngồi cạnh năm đệ Tứ, thân hình mảnh mai và rất vui vẻ, cởi mở: “Chúng ta đã cùng học tập bên nhau qua bốn năm dài đăng đẳng. Tuy thế đối với chúng ta thật là ngắn ngủi vì ngày nay…ngày mai…biết chúng ta có còn trọn vẹn bám ghế nhà trường không hay là hoàn cảnh, cuộc sống, chiến tranh…sẽ lôi chúng ta ra khỏi cái khung cảnh êm đềm và đẹp nhất của thời học sinh…”

Lê Thị Hạnh, cô bé học rất chăm chỉ và giỏi toán: “Không phải chỉ riêng đời học sinh chúng ta mà cả những gì trên cõi đời nầy đều phải chấp nhận một sự chia ly để rồi gieo vào lòng người một nỗi tiếc thương…hay là gì chăng nữa thì chúng ta vẫn phải cam chịu vì cuộc đời vẫn còn thay đổi thì không có gì là ở mãi bên ta…”

Nguyễn Thị Út, cô bạn có nhiều ý tưởng hay và nét chữ rất bay bướm: “Ngày mai đây chúng ta sẽ xa nhau, mỗi đứa đi mỗi ngả theo chiều hướng đắng cay hơn thỏa thích của cuộc đời. Dù biết rằng đời lắm chông gai đau khổ, chúng ta vẫn bám víu dùi đầu trong sự cạnh tranh để sống và để là một con người đáng sống…”

Mai Thị Kim Hoa, cô bé lanh nhất lớp và luôn nở nụ cười trên môi: “Mình bỗng dưng có ý nghĩ là níu thời gian dừng lại để chúng mình đừng bao giờ chia cách, để những gương mặt học trò còn đượm nét thơ ngây, không bận vướng những ưu tư trong đời sống…”

Võ Thị Liên Hoa, cô bé tóc dài cũng là ca sĩ của lớp, hát rất hay: “ Ước mong Hạnh sẽ giữ mãi những hình ảnh, những kỷ niệm của tuổi học trò thần tiên hôm nay…”

Nguyễn Thị Tuyết Mai, cô bạn lúc nào cũng trông chững chạc như người lớn: “Bốn năm dài buồn vui đầy trang giấy, thế mà hôm nay, cầm trong tay quyển Lưu Bút nầy Mai không biết phải viết lên đây những gì để diễn tả cái tâm trang hiện tại của Mai. Sau nầy nếu có dịp lật đến trang giấy nầy, nhìn giòng chữ nầy Hạnh có nhớ đến người bạn cùng học chung suốt bốn năm dài không?...”

Đinh Thị Huệ, cô bé có đôi má lúc nào cũng ửng hồng duyên dáng: “Mình và Hạnh chỉ còn gần nhau từ bây giờ đến hè mà thôi. Sang năm học tới Hạnh đi ban B còn mình đi ban A, không còn ngồi chung lớp như từ trước đến giờ, buồn ghê Hạnh nhỉ?...”

Lê Diệp Liễu, cô bé dáng thấp và khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương: “Nếu có xa nhau mà vẫn nhớ trong những nỗi buồn da diết thì những niềm thương còn lưu lại tận đáy lòng dù rằng hình ảnh đã nhòa trong ánh mắt…”

Vi Thị Bé, cô bạn ở Phúc Hải, có lối kể chuyện dí dỏm rất vui: “Chỉ còn đôi mươi ngày nữa là chúng ta xa nhau ba tháng hè dài đăng đẳng, ba tháng mái trường chìm trong im lặng, vắng vẻ bên những xác phượng tàn rơi và tiếng ve sầu não ruột. Không biết chúng ta có còn gặp nhau trên con đường học vấn nữa không hay là vì hoàn cảnh, cuộc sống hiện tại đầy chiến tranh khói lửa nầy, biết đâu nó sẽ gián đọan sự học hành của chúng ta, để rồi phải chập chững bước vào đời đầy cạm bẫy bằng đôi tay bé nhỏ…”

Nguyễn Thị Thu Cúc, cô bé biết làm thơ học trò: “Dù cho giông bão gió mưa. Cũng đừng quên bỏ bạn xưa năm nào. Đừng quên người bạn cố giao. Đã từng một thuở tranh nhau học hành...”

Lê Ngọc Mai, cô bé hay ngồi suy tư một mình: “Trời đã vào hạ từ lâu, nắng rực rỡ trên cây phượng mang đầy lá xanh nõn nà, hình như vòm trời cũng thay đổi với những đám mây trắng bồng bềnh. Tất cả đều thay đổi khi mùa hạ sang. Đó là hình ảnh quen thuộc của chúng ta với tuổi học trò đầy vô tư…”

Nguyễn Hưng Loan, cô bạn có vẻ trưởng thành và chính chắn nhất của lớp: “Trong một phút suy tư, hình ảnh của bốn năm về trước lại hiện đến. Thuở ấy , lần đầu tiên gặp nhau, chúng ta bỡ ngỡ vô cùng và ngơ ngác như những con chim lạc bầy, chỉ biết đưa mắt tìm kiếm những đứa bạn quen hầu đánh tan những nỗi lo sợ vô cớ của mình…”

Trần Thị Ngọc Yến, cô bạn vui vẻ và lúc nào cũng cười: “Nếu chúng ta có xa nhau thì Yến xin lưu lại những dòng lưu niệm nầy, tuy nó vô tri nhưng sẽ an ủi Hạnh phần nào trong những lúc buồn chán…”

Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, cô bạn cao to mà nhỏ tuổi nhất, chữ viết rất đẹp: “Thấm thoát một năm qua mau, hồi nào mới bỡ ngỡ bước chân vào lớp, nay đã đến cuối năm, phượng đã nở, chúng ta lại sắp chia tay. Năm tới chúng ta sẽ không gặp mặt nhau đầy đủ như hiện tại. Một năm học ngắn ngủi nhưng cũng mang nhiều kỷ niệm khó quên…”

Lê Thị Kim Loan, cô bạn xứ Phan Thiết với mái tóc dài chấm ngang lưng: “ Trước lúc chia tay tạm biệt nhau, Loan mong rằng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trong năm học tới và sẽ dệt thêm nhiều kỷ niệm của đời học sinh đầy hoa mộng…”

Trần Thị Lan, cô bạn vui tính với nhiều câu chuyện vui thật hay: “ Gần gũi học tập suốt bốn niên học qua và chúng ta thân nhau nhất ở năm đệ Tứ nầy với nhiều kỷ niệm giữa Lan và Hạnh. Mong rằng những kỷ niệm ấy sẽ không bao giờ nhạt phai…”

Trần Thị Nguyên, cô bé hay cười và nhanh nhẩu của lớp: “Được Hạnh trao quyển Lưu Bút, mình rất vui nhưng lại thoáng buồn vì chúng ta sắp xa nhau mỗi năm khi hoa phượng nở trước sân trường báo hiệu mùa hè đến…”

Lê Thị Ngọc Châu, cô bạn rất hiền và ít nói, hay cười: “ Châu rất sung sướng khi được Hạnh trao quyển Lưu Bút nầy nhưng vì thời gian quá ngắn nên Châu không biết viết gì hơn là chúc Hạnh luôn vui vẻ và tiến mãi trên con đường học vấn…”

Mai Phương Mai, cô bạn đeo kính cận, học rất giỏi: “Mùa hè vẫn đến dù chúng ta không mong muốn. Cứ nghĩ đến những gì nối tiếp về sau khi buổi họp mặt cuối năm học đã tàn, khi những khuôn mặt tìm về với nhau hay những ánh mắt lẫn trốn để che giấu nỗi buồn thấm thía, Mai thấy nao nao trong lòng vì thời gian cứ cướp dần những ngày thân ái thơ dại của chúng ta để còn lại là niềm nhớ tiếc khôn nguôi…”

Ngô Thị Ngọc Hương, cô bạn thân nhất cùng chung bậc tiểu học ở trường làng: “Sau bao giây phút suy tư và đối diện vào trang giấy trắng tinh anh vẫn không sao nén được nỗi buồn ray rứt đang len lén đi nhẹ vào tâm hồn mình. Nhớ lại bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn chia sớt cho nhau trong những ngày xa xưa thân ái trên con đường làng đầy quen thuộc dẫn đến trường mà hai đứa mình ngày hai lượt đều đi qua đó…”

Còn một vài bạn khác mà tôi vẫn còn nhớ tên: Hà Ngọc Lệ, Phạm Thị Thanh Thu, Huỳnh Thị Gấm, Nguyễn Thị Hưng, Trần Bích Liên, Lê Thị Lành, Huỳnh Lệ Chất…sao không thấy viết trong quyển lưu bút nầy? Hay là đã đến ngày cuối cùng của năm học nên tôi không đưa kịp đến các bạn ấy chăng? Dù thế nào đi nữa thì tên và hình ảnh của các bạn ngày ấy đã đi sâu vào ký ức tôi để tái hiện mỗi lần nhớ đến.

Những dòng lưu bút nầy được trích từ những trang Lưu Bút Ngày Xanh, có bạn viết 1, 2 trang giấy, có bạn viết 3, 4 trang giấy với đầy ắp những tâm tình mà giờ đây xem lại tôi thấy như mình đang cùng với các bạn ngồi học trong lớp hay vui đùa bên nhau ở sân trường. Mơ màng trong tâm trí tôi những tà áo dài trắng thướt tha bay trong gió như một đàn chim và trước mặt là bầu trời cao xanh rộng mở…

Bên cạnh đó tôi còn thấy thấp thoáng hình ảnh của các Thầy Cô kính mến, hàng ngày truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức, hướng dẫn chúng tôi thành những con người đầy đủ trí đức cho cuộc sống tương lai. Sau nầy khi bước chân vào đời, qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi mới cảm nhận được công ơn của Thầy Cô, đã ban tặng cho chúng tôi những kiến thức hữu ích làm hành trang vào đời. Xin trân trọng gửi đến Thầy Cô lòng biết ơn sâu xa của chúng em, những học trò cũ dưới mái trường Ngô Quyền dấu yêu.

Đó là những dòng lưu bút của các bạn viết cho tôi hơn 40 năm về trước và chính tôi cũng đã viết đáp lại cho các bạn, có khi còn tặng kèm theo một tấm ảnh để bạn mình giữ làm kỷ niệm. Ước gì tôi được xem lại những dòng chữ năm xưa của mình trong quyển lưu bút nào đó mà bạn tôi còn giữ. Mong lắm thay!

Giờ đây các bạn của tôi mỗi người mỗi ngả của cuộc đời. Chắc hẳn có bạn đang sống trong cảnh giàu sang, gia đình yên ấm hạnh phúc và biết đâu cũng có bạn chịu một nỗi bất hạnh nào đó! Cầu mong cho tất cả chúng ta dù giàu hay nghèo, dù đang ở quê hương hay tản mác bốn phương trời, cũng có được một mái ấm gia đình để yêu thương và nương tựa trong tuổi hoàng hôn.

Ngày nay, với phương tiện thông tin hiện đại của thế kỷ 21, biết đâu các bạn sẽ đọc được bài viết nầy, nhớ lại năm xưa mình đã từng viết những lời lẽ như thế đó, dù đơn sơ nhưng chứa chan tình bạn. Và cũng biết đâu chúng ta liên lạc được hay có duyên hội ngộ mà gặp lại nhau sau mấy mươi năm dài dâu bể, người còn ở chốn quê nhà, kẻ sống tha phương nơi đất khách.

Tiếc thay tôi không còn giữ tấm hình nào có đủ mặt các bạn Tứ 1 chụp chung trước cồng trường Ngô Quyền làm kỷ niệm để có dịp nào đó chúng ta nhìn lại những khuôn mặt ngày xưa mà hồi tưởng lại đã có một thời cùng ngồi chung lớp, chung trường trong một khoảng đời học sinh hoa bướm đầy thơ mộng...Tôi có mấy dòng thơ tặng các cựu học sinh trường Ngô Quyền cùng tâm trạng tiếc nuối thời còn cắp sách dưới mái trường Ngô Quyền thân yêu và riêng tặng các bạn Tứ 1 của những ngày xa xưa thân ái để nhớ về một thời áo trắng.

Một Thời Áo Trắng

Nhớ quá đi thôi thời nữ sinh

Thấp thoáng đâu đây những ảnh hình

Thầy Cô, bạn hữu, ngôi trường cũ

Thân thương, nồng ấm biết bao tình.

Ra trường mỗi đứa một phương trời

Đàn chim tung cánh khắp muôn nơi

Tuổi trẻ, niềm tin, nhiều mơ ước

Cánh cửa tương lai mở rộng mời.

Lưu bút ngày xanh lật từng trang

Nét chữ thân quen dệt thành hàng

Kỷ niệm ngày xưa đầy lưu luyến

Một thời áo trắng nhớ mênh mang.

Bạn cũ giờ đây khắp muôn phương

Theo dấu thời gian tóc điểm sương

Ước gì gặp lại ôn chuyện cũ

Chia sẻ tâm tình còn vấn vương...

Hát Bình Phương


Như Một Lời Chia Tay










Trong lúc tour cruise Canival bắt đẩu khởi hành chiều thứ sáu 8 tháng 7 tại cảng Long Beach, ban tổ chức đã chuẩn bị buổi tiệc cùng thời gian “Như Một Lời Chia Tay” thay lời nhắn nhủ hẹn ngày gặp lại đến tất cả quý Thầy Cô và các cựu học sinh về tham dự chương trình Đại gia đình Ngô Quyền Hội Ngộ Toàn Thế Giới lần 2.

Buổi tiệc chia tay được tổ chức tại nhà của hai cháu Phương Thảo, là con trai và con gái 2 gia đình thông gia của đại gia đình Ngô Quyền anh Ma Thành Tâm và anh Tô Anh Tuấn. Châu, một người bạn trẻ đến thật sớm từ San Diego đã cùng tôi và anh Hòa chuẩn bị bàn ghế cho buổi tiệc, Châu học khóa 13 NQ đã tham dự ngày hội ngộ ngày chúa nhựt, Châu chỉ quen biết Nguyễn Trần Diệu Hương, hôm nay Châu đến đây hy vọng tạo một nhịp cầu giữa khóa đàn anh, đàn em trong đại gia đình Ngô Quyền. Những tiếng phone reng với tiếng nói thân quen và gần gủi sau 3 ngày đi tour Las Vegas, với những tâm tình của người bạn, người em từ Ohio, Tenessy v.v… Thầy cô Trần Phiên, thầy Phan Thanh Hoài, Thầy Nguyễn văn Phố, Thầy Hoàng Phùng Võ cũng đã đến thật sớm, trong phút giây chờ đợi thầy trò còn dịp nhắc nhớ bao kỷ niệm tưởng như không bao giờ dứt. Cũng những khuôn mặt, cũng những tên gọi được lưu vào bộ nhớ như Đặng văn Hùng, Nguyễn Ngọc Ẩn H, Đinh Cẫn Cấp, Lương thị Sao, Võ Đình Bạch Tuyết, Nguyễn thị Ngọc, Huỳnh văn Thôi v.v… Anh chị Lợi Mai đã không đến được trong ngày hội ngộ, hôm nay đến để gặp lại Thầy Cô, bạn bè xưa cũ và chung vui với những tấm lòng Ngô Quyền.

Cô Đặng thị Trí hôm nay sức khoẻ khá hơn, cô rất vui khi được các học trò khen hình cô trong tuyển tập 2011 hồi còn trẻ rất đẹp, và đông đảo học trò ngày xưa vẫn còn ái mộ, quấn quít bên cô để được chụp hình lưu niệm. Cô Thanh Quang của trường Tân Uyên cũng luôn sát cánh với Ngô Quyền cũng đến để tận hưởng những giây phút vui tươi cho đời người trẻ mãi. Cô Bùi thị Ngọc Lan rất ít tham dự họp mặt vào ban đêm, vì thầy Chức phải trụ nông trại tận Fresno, và cô lại ngại lái xe ban đêm nhưng vì tình nghĩa Ngô Quyền cô cũng đến để chia tay cùng bạn đồng nghiệp cũng như những đứa học trò bao năm mới có dịp gặp lại. Thức ăn nước uống đã được các chị Ma Ngọc Huệ, Cao thị Chung, Nguyễn thị Hiền, Nguyễn Tất Ứng chuẩn bị sẵn sàng, lại được Lương thị Sao xông xáo vào bếp chiên xào, chắc có lẽ nhờ chuyến đi Las Vegas chị trẻ hơn đến nỗi một cựu học sinh khóa đàn em lại xưng anh ngọt sớt với khóa đàn chị… muôn vàn tội lỗi.

Tuy rằng hôm nay cũng có những buổi tiệc chia tay riêng, nhưng hơn 70 ghế ngồi mang đến đều không còn chỗ, các chị Hoa, Kim Anh, Ngọc từ nhà chị Mỹ cũng tìm đến trong giờ phút chia tay nầy. Anh Ma Thanh Tâm vẫn ồn ào nhất đến nỗi Đặng văn Hùng, Nguyễn Ngọc n H cũng muốn ngả nghiêng. Chương trình văn nghệ bắt đầu với những giây phút trang trọng nhất, bàn ghế được sắp xếp, quý thầy cô đều thổn thức khi nghe tất cả mọi người cùng hát lại bản hợp ca “Về Lại Trường Xưa Thân Ái” của anh Trần Kiêu Bạc. Đêm nay bản nhạc không được nghe từ CD, không được nghe từ những giọng hát không kết hợp nhịp nhàng trên xe Bus, nhưng là những tiếng hát thật của các anh các chị được hướng dẫn rất nghiêm khắc bởi Nhạc sĩ Võ Đình, qua tiếng đàn điêu luyện nhà nòi của anh Nguyễn Chánh Nghĩa (trưởng nam của thầy Nguyễn Văn Tỵ, dạy môn nhạc của trường NQ trong nhiều năm). Bản nhạc tưởng chừng như được thăng hoa, được hát hay hơn bao giờ hết, hát từ trái tim, hát với cả tấm lòng hướng về trường xưa của một thời để thương để nhớ. Xin được cám ơn các anh, các chị, xin cám ơn 2 nhạc sĩ đã tập luyện, cũng không quên dành sự tri ân đến tác giả, anh đã viết thay cho bao người bằng trái tim của mình.

Anh chị Mai Ninh Tuất tiếp tục chương trình với một tình khúc của Lê Uyên Phương, Cao thị Chung với màn cổ nhạc “Bạch Thu Hà” thật ngọt ngào, truyền cảm, Ngọc Dung với Suối Tóc của Văn Phụng, Đặng văn Hùng nhờ Ma Thanh Tâm cho uống thuốc liều cũng mạnh dạn trình bày bản nhạc anh chưa từng hát. Anh Võ Đình trình bày bản nhạc “Khép lại từ đây” do chính anh phổ từ thơ Nguyễn thị Minh Thủy với bút hiệu Võ Đình Tuyết trong một CD sẽ ra mắt bạn bè trong những ngày sắp tới. Chị Lương thị Sao bùi ngùi nhớ đến thầy Hồng Duyệt đã dạy nhạc lớp chị năm đệ tứ 64-65, bản nhạc “ Đường chiều” của thầy Hồng Duyệt được chị cất tiếng hát để nhắc nhớ một người thầy của một thời áo trắng, Nguyễn thị Của tiếp tục trình bày một bản nhạc của Bằng Giang phổ từ thơ Thy Lệ Trang.

Màn thay đổi không khí bất ngờ đã được thầy cô và các bạn tán thưởng với anh chàng Bắc kỳ Phạm văn Sinh, phu quân của Ngọc Dung, hôm nay anh Sinh xuống câu vọng cổ “Võ Đông Sơ” thật… độc, nghe anh Sinh ca tưởng đâu Huỳnh Thái , Ngọc Toàn của đoàn Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô Kim Chung từ thuở nào, giọng anh luyến lái xuất thần theo âm hưởng người Bắc rất tuyệt vời, khiến tôi người miền Nam đã từng ca vọng cổ muốn ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Than ôi! Ngô Quyền đã có Hạnh sao lại có thêm Sinh”. Hy vọng rằng trong những lần họp mặt tới, anh Sinh sẽ mang tiếng hát lời ca ấm lòng bao người ái mộ.

Trời đã về khuya, quý thầy cô phải đi về sớm, cám ơn Thầy cô Trần Phiên kính mong thầy cô luôn giữ những hình ảnh đẹp với bao ân tình khi trở về Austin hay Dallas. Bạn bè vẫn chưa muốn rời xa, một vài anh chị từ San Diego vẫn còn đến để tìm lại người bạn cũ là cựu học sinh Ngô Quyền, Phạm thi Hữu Hạnh cùng phu quân, và phu nhân của anh Đinh Cẫn Cấp đã đến muộn để nói lời chia tay trước khi về lại miền tây bắc. Bao bạn bè vẫn lưu luyến giũ nắm chặt bàn tay với bao điều muốn nói:

Trăm ngàn điều nhắn nhủ

Sao chẳng thốt nên lời

cầm tay nhau cũng đủ

ấm áp nửa phần đời!”

(Nguyễn Thị Minh Thủy)

Nửa phần đời còn lại có chăng tìm lại được bao niềm vui hạnh phúc nghẹn ngào với mái trường trung học Ngô Quyền của một thời để thương để nhớ…

nguyễn hữu hạnh

Sài Gòn Nỗi Nhớ










Chiều nay bên trời mây trắng bay
Sao ta lưu lạc mãi phương này
Thời gian chưa xoá màu kỹ niệm
Lối cũ ngậm ngùi cuối chân mây

Sài Gòn mùa nay lá me bay
Sân trường ai phượng thắm rơi đầy
Áo trắng tan trường qua phố xá
Đã qua rồi lòng còn ngất ngây

Sài Gòn buổi chiều gió hây hây
Thành đô bừng nhịp sống mê say
Tự Do phố lớn người nhộn nhịp
Qua bến Bạch Đằng ngắm trời mây

Buổi tối Sài Gòn sáng lung linh
Đèn hoa giăng mắc cảnh đẹp xinh
Trai gái dập dìu trên hè phố
Đêm thủ đô thắm thiết bao tình

Sài Gòn người phu xe chạy đêm
Kịp mối hàng phiên chợ đầu hôm
Những chuyến xe lam đưa đón khách
Theo giòng đời trôi mãi không tên

Ôi Sài Gòn những chiều mưa tuôn
Như nhớ ai xa vắng phố phường
Kể từ đất nước bừng lữa loạn
Bao nhiêu người chưa về cố hương?

Sài Gòn bây giờ đã thay tên
Như trái tim ưu uất muộn phiền
Xa mãi quê hương từ dạo ấy
Sài Gòn nỗi nhớ chẳng hề quên

TL sưu tầm