Thursday, February 24, 2011

Mùa Xuân Chín










Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý Bóng Xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám Xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa, gặp lúc mùa Xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
"Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?..."


Hàn Mặc Tử

Saturday, February 12, 2011

Muộn Màng Tìm Lại Hương Xưa











Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi có những chi tiết nho nhỏ làm chúng ta nhớ mãi, nhớ hoài, không bao giờ quên được, trong đó mùi hương giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Khoa học và thực tế cuộc sống đã chứng minh mùi hương có tác dụng tích cực và sâu sắc lên mọi người trong tình yêu, ký ức và cả trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Chúng ta không lạ lùng với câu thơ mà Cụ Nguyễn Du đã viết và mãi nhớ từ những năm Trung Học đến bây giờ: “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”.

Tôi đã xa Tổ Quốc nhiều năm. Thời gian không dài nhưng cũng đủ để nhớ, quên nhưng không thể xóa mùi hương có được từ những năm tháng cũ. Làm sao quên được mùi sữa Mẹ tinh khôi những ngày chưa lớn, mùi bùn trong đầm sen cuối làng thân thiết, mùi hương hoa cỏ lẫn trong sương sớm vào mùa Hạ ấm nồng những tiếng ve kêu, hay mùi vị tình yêu những ngày mới biết hẹn hò, bạo dạn cầm tay người yêu để nghe hương vị thanh cao đầu đời tan vào từng tế bào, chảy sâu qua từng thớ thịt. Mùi hương, mùi hương mãi mãi là nỗi ám ảnh không nguôi trong lòng người xa xứ!

Cảm nhận về mùi hương không chỉ bằng giác quan mà sâu thẩm trong trong hồn phải có từ tình thương yêu và phải qua tấm lòng. Tôi lan man trong thế giới mùi hương để tìm ra được mùi hương gần gũi nhất, luôn làm xao động lòng mình trong những ngày Xuân nơi quê cũ. Tôi đã đi nhiều nơi, sống nhiều chỗ và làm việc trong những môi trường khác nhau, tất nhiên là đã ăn, đã nếm nhiều thức ăn có hương vị khác nhau, nhưng mỗi khi một mình trong nơi quạnh quẽ cuối năm, hay gượng vui trong những ngày đầu năm mới, tôi luôn bị thôi thúc, xô đẩy vào một mùi hương quen thuộc, nhớ hoài mà tìm mãi không ra. Đó là mùi nồi thức ăn hỗn hợp mùng Ba Tết mà Bà Nội vẫn đùa vui là nồi “xà bần”. Mỗi năm, khi đất trời vào Xuân, và ba ngày Tết đã lùi xa, tôi vẫn nghe đọng lại từ hồn mình, trong tim mình cái mùi thân quen mà tôi vẫn muộn màng, ngẩn ngơ, nhớ nhung mong tìm lại. Trong mùi hương đó. Má tôi hiện ra, đôi mắt buồn hiu, hai tay khô ráp, nụ cười như có chút khổ đau, lời nói khoan hòa với Chị Em chúng tôi ngày xưa, xưa lắm mà còn như quanh quẩn đâu đây.

Ký ức về món ăn ngon mà mang tên lạ lùng nầy dẫn tôi bắt đầu từ những ngày cuối tháng Chạp Âm Lịch hàng năm, và y như là năm nào cũng vây. Khi ngọn gíó Đông còn làm se lạnh mà đất trời như đã bắt đầu chuyển mùa, Má tôi đã chuẩn bị làm mâm cúng Tết. Không đâu, nhà tôi nghèo, nói là mâm cúng Tết, nhưng chỉ là môt mâm cơm đơn giản và thanh đạm, chỉ khác ngày thường ở ý nghĩa và đôi chút thức ăn mới, khác gọi là lễ vật cho Tổ Tiên. Gạo là gạo hạt tròn, xay không bể, mà Má tôi đã bỏ công chọn lựa sàng sảy và để dành cho mâm cơm nầy. Một sân phơi đầy những cây cải bẹ xanh để dành làm dưa cho những ngày Tết. Con gà to béo, gà trống, vừa ở tuổi thanh xuân, đủ có thân hình khỏe mạnh nhưng chưa tới đọan chạy theo mấy con gà mái tơ trong chuồng. Đó là mâm cơm tiễn năm cũ đi và đón năm mới về. Mâm cơm cuối năm chờ phút giây trời đất giao hòa, chờ người thân trở về sum họp sau thời gian bôn ba làm ăn nơi xa, và là thời điểm báo công, dâng lên hương hồn Tổ tiên những điều hiếu hạnh tốt đẹp nhất.

Má tôi, tính đến ngày Người đi xa, đã làm dâu gia đình họ Trần hơn nửa thế kỷ, mà theo lời Bà Nội thì năm nào cũng như năm nào, vẫn luôn giữ nề nếp ấy trong những ngay đón Xuân, đơn sơ mà đầm ấm ở quê nhà. Rồi những ngày đầu năm mới với những món ăn lạ, khó kiếm hàng ngày được dâng cúng, rồi cả nhà cùng nhau thưởng thức cũng qua đị. Tất cả, sau ngày Mồng ba, coi như chấm hết. Hương vị ngày Xuân cũng qua đi để như hẹn hò mùa Xuân năm sau sẽ quay lạị Nhưng đối với Chị em tôi, sau ba ngày Tết, mùi thức ăn không hết mà cứ dai dẳng đến nhiều ngày tiếp theo. Đó là nhờ nồi “xà bần” mà Má tôi khéo léo chế biến. Chỉ đơn giản, những thức ăn dư mỗi ngày, Má tôi tiếc, không đổ đi, cũng là theo lời Bà Nội dạy: Đổ phí thức ăn là mang tội lắm! Tôi đã quan sát, tức là xem kỹ nhưng thao tác Má tôi làm ra món ngon đầy hương vị nầy. Tất cả thức ăn dư được cho vào một cái nồi lớn đã có mỡ nóng và hành phi. Má tôi không phân loại mà cho chúng cùng sống chung nhau như một xã hội đầy những sắc dân và phong tục khác nhau. Nhanh nhẹn, Má đảo qua đảo lại nhiều lần , không quên bỏ vào nhiều cải chua, vài trái ớt còn nguyên vị cay, nêm lại lần chót, xong để lửa cháy riu riu thêm chút nữa là nhắc xuống. mùi thơm ngào ngạt của thức ăn Tết tưởng đã đi xa hay bay vào quên lãng lại trở về, nồng đậm hơn, thôi thúc hơn, làm chúng tôi có thêm hương vị Tết kéo dài như vô tận. Mùi thịt kho trộn lẫn với mùi cải chua làm không khí bữa ăn rộn thêm tiếng cười vì nhờ cải chua mà thịt mở bớt béo ngậy và nhờ thịt mà những miếng cải chua có thêm vị đâm đà gợi thèm không dứt. Những ngày Tết của tuổi thơ tôi là như thế, Bà nội tôi thường nói, một cách bình thường nhưng đầy vẻ trân trọng, chỉ có nhà nghèo mới có món ăn lạ lùng nầy, bởi nhà giàu thì họ đổ bỏ những thức ăn dư thừa thì lấy đâu mà có nồi “xà bần” đầy hương Tết như thế?

Riêng đối với tôi, nồi “xà bần” của Má tôi là món quý, là món ăn đầy yêu thương của Má cho chúng tôi không những trong những ngày thơ trẻ mà mãi mãi còn đọng trong ký ức, trong tiềm thức và cả trong những giấc mơ của tôi. Quên sao được khi mà đã hết Tết chúng tôi còn thấy được, hưởng được món ăn yêu quý nầy? Nói ra không xấu hổ là nhiều lần chúng tôi đổ xô vào nồi “xà bần”, tranh nhau gắp, hay tiu nghĩu nhìn nồi không vì đã bị các chị lớn nhanh tay xơi hết. Quên sao được khi đến mồng bốn Tết tôi phải trở lại trường học, xa nhà ở nhà ở tận Tỉnh lỵ, mà vẫn cầm theo một hủ “xà bần” còn sót lại trong hành trang? Má tôi đã sớt ra để dành cho con ăn khi xa nhà sau những ngày đón Xuân cùng gia quyến. Món yêu thương ấy không chỉ là món ăn bình thường mà với tôi là muôn vàn kỷ niệm, là một quãng đời thơ dại đã qua đi không bao giờ tìm lại được.

Bây giờ tôi đã khôn lớn, đã qua nhiều cam go của cuộc đời vẫn thấy và ngữi mùi hương nồi‘ xà bần” sau Tết của Má. Nơi tôi đang sống có nhiều món ăn sang trọng và kỳ dị nữa, nhưng biết tìm đâu món ăn quen thuộc ngày xưa? Tôi vẫn ngữi đươc mùi nước hoa đắt tiền của các đồng nghiệp trong chỗ làm, nhưng chắc không quen và cũng không quên mùi rơm rạ ở quê nhà, mùi đồng nội buổi sáng tinh mơ, mùi hoa cau rụng trắng khi chiều xế bóng… Ở đâu đó trong góc khuất của trí nhớ, tôi vẫn thấy hình bóng Má với nụ cười đôn hậu, nhanh tay đảo đảo những miếng dưa chua, trộn trộn những chân gà trong chiếc nồi cũ, mà cả đời tôi không thể nào quên. Trong những ngày cuối năm hay đầu năm mới trên quê người tôi lại ao ước ngữi lại mùi “xà bần” trong món ăn xưa, nơi dó không có hương của dầu thơm Chanel 5, không có mùi thức ăn như Hamburgers, Pizza lạ lẫm mà có mùi cải chua trộn với những khoảng thịt dư thừa đủ mọi hình dáng với mùi bàn tay Má, và hình ảnh của những đôi đũa tranh nhau của Chị em chúng tôi sau ánh mắt nhìn đầy thương yêu của Bà Má nghèo những năm xa xôi ấy …

Sau cùng, nếu nói mùi hương đã tạo cho con người những khúc quanh, những ấn tương thì mùi của nồi “xà bần” đã luôn lôi kéo, thôi thúc và dai dẳng mời gọi tôi về, dù muộn màng, với quê nhà, với ngồi nhà nhỏ bé khiêm nhượng mà chúng tôi đã sống, đã được đùm bọc, nuôi dưỡng và dạy dỗ của Người Mẹ mẫu mực mà chúng tôi hằng thương yêu và quý trọng.

Trần Kiêu Bạc